Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Chất xơ có phải một carbohydrat không thể thiếu không?

Tác giả: Nora Gedgaudas


Cơ thể nguyên thủy, tâm trí nguyên thủy

Chương 18: Chất xơ có phải một carbohydrat không thể thiếu không?


Ngày 20/1/1999, chương trình ABC World News Tonight (Tin tức thế giới tối nay của đài ABC) với người dẫn chương trình Peter Jennings tường thuật rằng một nghiên cứu quy mô lớn mới được công bố cho thấy chất xơ hoàn toàn “vô dụng” trong việc giúp phòng ngừa ung thư đại tràng. Nghiên cứu này vừa được công bố trong Tạp chí Y học New England (The New England Journal of Medicine). Nó cho thấy rằng chất xơ, từng được coi là thần dược để phòng tránh ung thư đại tràng và củng cố sức khỏe đại tràng, hoàn toàn không có tác dụng bảo vệ. Vâng, bạn nghe đúng đấy. Nghiên cứu khổng lồ trên 88.000 người trong vòng 16 năm đó kết luận một cách chắc chắn rằng ăn một chế độ ăn nhiều chất xơ không có chút tác dụng nào trong việc phòng tránh ung thư đại tràng.

Tờ Thời báo New York có dòng tít tương tự “Nghiên Cứu Cho Thấy Chất Xơ Không Giúp Phòng Tránh Ung Thư Đại Tràng”. Giả thuyết này được đưa ra bởi bác sĩ kiêm nhà truyền giáo người Anh, Denis P. Burkitt, người từng nghiên cứu một số dân tộc có vẻ không bị ung thư đại tràng ở châu Phi và phỏng đoán rằng chế độ ăn giàu chất xơ là yếu tố hỗ trợ. Giả thuyết này đã bị bác bỏ vĩnh viễn một cách thuyết phục bởi nghiên cứu trên. Tờ Thời báo New York viết, “Ông lan truyền giả thuyết của mình như một chân lý về dinh dưỡng, khiến hàng triệu người nghe theo mà thay đổi chế độ ăn của họ. Giờ đây, một nghiên cứu lớn nhất từng được tiến hành về chủ đề này đã kết luận rằng, ít nhất là đối với phòng tránh ung thư đại tràng, tất cả những thứ ngũ cốc, rau hoa quả ấy không có tác dụng gì.” Tác giả chính của nghiên cứu này, Walter Willett, giáo sư tiến sĩ dinh dưỡng và dịch tễ học tại khoa Sức khỏe Cộng đồng trường đại học Harvard, tuyên bố, “Giả thuyết rằng chất xơ là yếu tố quan trọng trong việc giảm nguy cơ ung thư đại tràng có vẻ lý thú, nhưng thực tế là dữ liệu nghiên cứu không ủng hộ nó chút nào.” Ông nói tiếp, “Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu dài nhất từng được tiến hành, và chúng tôi xem xét nhiều khía cạnh của chế độ ăn. Chúng tôi xem xét cả u hạch và ung thư đại tràng và không có chút gì ủng hộ ý tưởng rằng chất xơ làm giảm nguy cơ ung thư.”

Bạn có thể nghĩ tất cả những cái đó sẽ làm thay đổi khuyến nghị về dinh dưỡng của các bác sĩ. Nhưng có vẻ tất cả bọn họ đều không xem bản tin tối hôm đó và cũng không đọc báo vào sáng hôm sau. Câu truyện cổ tích rằng chất xơ giúp phòng tránh ung thư đại tràng vẫn tiếp tục được truyền bá, ngay cả khi ngũ cốc giàu chất xơ đã nhiều lần được chứng minh là có liên quan đến nhiều chứng bệnh đường ruột, bao gồm cả ung thư đại tràng.

Nhiều dân tộc như người Inuit, hay người nguyên thủy thời băng hà, hầu như không ăn chút chất xơ nào. Tôi không nói là những chất dinh dưỡng hay chất chống ôxy hóa trong các loại rau hoa quả nhiều chất xơ không có chút giá trị nào cho chúng ta. Chắc chắn là nhiều loại rau hoa quả giàu chất xơ từng được ăn bởi con người thời đồ đá, và các chất chống ôxy hóa của chúng có lẽ là cần thiết cho chúng ta hơn bao giờ hết. Tuy vậy, chất xơ không phải là một yếu tố không thể thiếu, và rau, đặc biệt là hoa quả, không phải là giải pháp toàn năng cho mọi vấn đề về sức khỏe.


Có thể thấy rõ ràng từ các bằng chứng và nghiên cứu trong lĩnh vực nhân chủng học rằng chất xơ từ rau hoa quả không phải là yếu tố trung tâm trong việc mang lại sức khỏe và tuổi thọ cho chúng ta như một số người, đặc biệt là những người ăn chay, vẫn muốn chúng ta tin. Trên thực tế, quá nhiều chất xơ trong chế độ ăn có thể liên kết với các chất khoáng trong thức ăn, gây kích thích đại tràng (đặc biệt là chất xơ từ ngũ cốc), và gây ra hội chứng thiếu hụt chất khoáng trầm trọng.

Nói về mặt tốt, chất xơ hòa tan được (có trong nhiều loại hạt, rau và hoa quả) có tác dụng nuôi dưỡng vi khuẩn có ích trong ruột (dĩ nhiên với điều kiện những vi khuẩn đó có tồn tại trong ruột chúng ta), và những vi khuẩn đó chuyển hóa chất xơ ấy thành những chất dinh dưỡng có ích như acid butyric (nguồn nhiên liệu chính cho các tế bào phủ thành đại tràng và, cùng với vitamin A và D, là chất có tác dụng hàng đầu giúp phòng tránh ung thư đại tràng). Nhân tiện, acid butyric cũng có rất nhiều trong bơ từ bò ăn cỏ. Cái tên acid butyric cũng có từ đó. Có thể nói bơ từ bò ăn cỏ là thực phẩm giúp phòng tránh ung thư đại tràng tốt hơn tất cả mọi loại chất xơ trên đời này.

Tuy vậy, mặt trời và vitamin D3 mới là thứ phòng tránh ung thư đại tràng tốt nhất. Bác sĩ Gordon Ainsleigh khuyến khích mọi người tắm nắng để tăng cường vitamin D và phòng chống ung thư. Năm 1992, Ainsleigh xem xét các nghiên cứu y học trong suốt 50 năm trước đó trong lĩnh vực ung thư và ánh nắng mặt trời. Ông báo cáo trên tạp chí Y học Phòng bệnh (Preventive Medicine) rằng tắm nắng thường xuyên một cách có điều độ sẽ làm giảm 1/3 tỷ lệ tử vong do ung thư vú và ung thư đại tràng, một con số đáng kinh ngạc.

Chất xơ có thể có ích trong việc liên kết với những hooc-môn mà cơ thể thải vào ruột và thải loại chúng trước khi chúng được tái hấp thụ. Trong một thế giới đầy rẫy chất xenoestrogen (một chất có cấu trúc giống hooc-môn estrogen), tác dụng này của chất xơ chưa bao giờ hữu ích nhiều như bây giờ.

Nhưng suy cho cùng, có lẽ điểm tốt nhất của chất xơ là nó không chuyển hóa thành đường.

Vì vậy bạn cứ việc ăn rau – ăn nhiều vào – cùng bơ hoặc dầu ô-liu để giúp hấp thụ chất khoáng và các chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo. Xào hoặc hấp cũng có thể giúp phân tách cellulose và giúp dễ tiêu hóa. Ăn một số rau sống nữa. Hạn chế hoa quả vì lượng đường trong chúng. Rau nhiều chất xơ giúp mang lại cảm giác no bụng, và chúng ta cũng cần những chất chống ôxy hóa mà chúng cung cấp, đặc biệt là trong thế giới độc hại hiện nay.

Thế còn nước rau quả: Chẳng phải nó rất tốt hay sao?

Ý tưởng xay rau quả lấy nước uống có vẻ có lợi cho sức khỏe: lấy nhiều chất bổ từ rau và hoa quả vào người hơn bằng cách xay chúng ra và vứt bã đi. Đấy là phong trào sức khỏe rất thịnh hành hiện nay, và là việc làm gần như không thể thiếu được ở những người ăn chay. Bề ngoài nghe thì có vẻ tốt đấy, nhưng thực sự bạn đang làm gì? Nghĩ xem!

Đầu tiên, tổ tiên chúng ta sẽ không bao giờ làm một việc như vậy. Họ luôn luôn ăn tất cả rau hay hoa quả, chỉ vứt đi những cọng cứng hay hạt. Ý tưởng xay rau quả, vứt bỏ bã và chỉ uống nước khá là trái tự nhiên và dựa trên một giả định sai lầm: rằng phần lớn chất dinh dưỡng trong rau hoa quả nằm trong phần nước ấy.

Không may là điều đó hoàn toàn sai.

Xem xét vỏ ngoài của rau hoa quả chẳng hạn. Nó là phần bảo vệ những bộ phận quan trọng bên trong khỏi sự tàn phá của môi trường, bao gồm cả các tia phóng xạ từ mặt trời. Do vậy, phần lớn các chất chống ôxy hóa của bất cứ loại rau quả nào cũng đều nằm trong phần vỏ. Phần bã cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng khác như các chất tạo vị, tạo màu tự nhiên, và phytonutrient. Tất cả chúng đều bị vứt bỏ khi bạn xay lấy nước. Vậy còn gì trong nước? Hầu hết là nước đường lẫn với một ít vitamin, chất khoáng và phần ít ỏi còn lại của các chất dinh dưỡng khác. Ngon đấy, nhưng tác động tiêu cực của đường gần như luôn luôn lớn hơn bất cứ lợi ích nào bạn thu được từ những chất dinh dưỡng còn lại.

Vấn đề ở đây không phải là tất cả mọi thứ trong nước rau quả đều không tốt cho bạn. Nó là ở chỗ tác dụng xấu từ đường luôn luôn lớn hơn. Tuy nhiên, xay lấy nước các loại rau xanh ít đường và bột thì không sao – thậm chí còn khá là có ích – bởi vì lượng đường bên trong chúng là rất ít. Chỉ có điều đừng làm ngọt bằng cách cho thêm quá nhiều cà rốt. Tốt hơn cả là ăn sống chỗ cà rốt đó. Dùng stevia chẳng hạn nếu bạn nhất thiết phải có vị ngọt.

Nếu bạn muốn xay rau quả, tốt thôi. Nhưng sau đó hãy đổ nước đi và ăn phần bã!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.