Tác giả: John V. Walsh
Nguồn: Antiwar.com
Nguồn dịch: Hiệp Sĩ Cưỡi Lừa
“Mỹ có thể bao vây Trung Quốc không?”, đó là câu hỏi thường xuyên được đặt ra ở Phương Tây. Nhưng với những cuộc chiến tranh và tấn công bất tận của Mỹ vào các quốc gia đang phát triển trên thế giới, câu hỏi nên được đổi lại thành “Trung Quốc có thể bao vây Mỹ không?”. Hay ít nhất là Trung Quốc có thể kiềm chế Mỹ để không gây tổn hại nhiều hơn cho khu vực Đông Á và các nước khác trong thế giới đang phát triển?
Tuần trước Obama tới Bắc Kinh dự hội nghị thượng đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) trong vai trò đại diện của Phương Tây và đại dự án có tuổi đời hàng thế kỷ của họ ở Đông Án. Đó là dự án gì? Lịch sử cho chúng ta biết rằng Phương Tây cùng với các nhà truyền giáo và binh lính của họ, những người tiền nhiệm của Obama, đã dìm khu vực này trong đau khổ và bể máu. Một danh sách ngắn và chưa đầy đủ gồm có: Chiến Tranh Thuốc Phiện ở Trung Quốc, chiến tranh ở Philippine, ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản, chiến tranh Việt Nam và Triều Tiên, ném bom tàn phá Lào và Campuchia, đảo chính đẫm máu của CIA ở Indonesia, tấn công quân sự vào phong trào lật đổ chế độ độc tài Park ở Hàn Quốc.
Phác thảo lịch sử ngắn ấy chỉ đơn thuần kể lại các đóng góp của Anh-Mỹ vào sự hãm hiếp Đông Á của Châu Âu. Hàng thế kỷ qua, bất cứ cường quốc Tây Âu với một nhúm kỹ thuật quân sự vượt trội nào cũng đều đến cướp bóc Tây Thái Bình Dương.
Obama tới Đông Á về cơ bản để nói: “Chúng tao vẫn chưa xong việc. Quốc Gia Không Thể Thiếu phải thống trị ở mọi nơi. Chúng tao rời đi khi người Việt Nam làm nhục và đá đít chúng tao ra khỏi khu vực. Nhưng chúng tao đang quay trở lại. Chúng tao đang xoay trục.”
Thậm chí trước khi Obama rời Hoa Kỳ, “sự xoay trục” của ông ta sang Tây Thái Bình Dương đã thất bại nặng nề, bởi Hoa Kỳ đang sa lầy đến tận lỗ mũi ở đầm lầy Trung Đông do sự vận động hành lang của Israel, và bởi vì Hoa Kỳ đã đẩy Nga vào vòng tay của Trung Quốc với việc dàn xếp cuộc đảo chính của phát xít ở Ukraina. Theo đúng bản chất, trước khi trèo lên khoang chiếc máy bay 747 để tới Bắc Kinh, Obama không thể cưỡng lại việc tự nhấn mình sâu hơn chút nữa vào vũng lầy ở Trung Đông bằng cách gửi 1500 lính bộ binh nữa tới vùng đất giết chóc Iraq.
Ngay trước hội nghị APEC, liên kết Nga-Trung trở nên sống động khi tổng thống Putin và Tập thông qua một thỏa thuận về đường ống dẫn dầu chủ chốt, thứ sẽ đưa vào Trung Quốc nguồn cung khí đốt tự nhiên mà Hoa Kỳ đã lấy đi khỏi Châu Âu với cuộc đảo chính ở Kiev. Đường ống này được gọi là đường ống Phương Tây hay Altai, và là đường ống thứ hai từ Nga tới Trung Quốc. Thỏa thuận về đường ống đầu tiên đã được thông qua vào tháng năm mới đây và được đài báo nói tới rất nhiều. Tuyến đường bộ này cung cấp cho Trung Quốc nguồn dầu dồi dào mà hải quân Hoa Kỳ không thể ngăn chặn trên biển được. Điều đó gia tăng an ninh cho Trung Quốc, giúp họ đối mặt với sự xoay trục. Do đó, thỏa thuận này vượt xa tính biểu tượng. Lực lượng hải quân khổng lồ của Hoa Kỳ trở nên ít có ích hơn với mục tiêu thống trị của họ, mặc dù điều đó không làm giảm gánh nặng cho những người dân đóng thuế ở Mỹ chút nào.
Hội đàm ở APEC tập trung vào kinh tế, thứ sẽ quyết định hình dạng của thế giới sắp tới. Kinh tế Trung Quốc giờ đã lớn hơn Hoa Kỳ trên chỉ tiêu so sánh sức mua và đang trên đà tiến tới ngang bằng với Hoa Kỳ trên chỉ tiêu tuyệt đối trong vòng một thập kỷ. Trung Quốc không ngừng theo đuổi sự tăng trưởng kinh tế và ổn định tổng thể mà họ cần. Obama đã đề xuất gì? Ông ta đang rao bán Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận bao gồm Nhật Bản và 10 nước Thái Bình Dương khác nhưng không có Trung Quốc. Ông ta nói thản nhiên rằng mục đích của hiệp định không phải là bao vây hay cô lập Trung Quốc mặc dù trên thực tế nó được thiết kế chính để làm điều đó. Mặc dù vậy, TPP không có nhiều tiến triển, bởi vì nó được soạn thảo bí mật bởi và phục vụ cho bọn độc quyền doanh nghiệp và tài chính Hoa Kỳ. Các quốc gia khác sẽ không cắn miếng mồi TPP nếu không có lợi lộc gì cho họ.
Một số nhà bình luận phương Tây coi hiệp định Khu Vực Tự Do Thương Mại Châu Á Thái Bình Dương (FAATP) như một cú trả đòn của Trung Quốc đối với TPP. Thế nhưng, tuy Trung Quốc rất nỗ lực thúc đẩy FAATP tại hội nghị APEC và nhận được sự chấp thuận của tất cả 21 nước tham dự, đó không phải là ý tưởng mới hay là ý tưởng của Trung Quốc. Đó là ý tưởng được khởi đầu khi APEC thành lập vào năm 1989, theo thủ tướng Singapore Lý Hiển, người đã tán dương nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy bước tiếp theo, một nghiên cứu kéo dài hai năm, để hiện thực hóa hiệp định này. Lý nói rằng khi FAATP được tạo ra, nó sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia trong khu vực và sẽ là một trong những khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới.
Tương tự, Trung Quốc đã đi đầu trong việc thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á (AIIB), ngân hàng này sẽ cấp vốn cho các đầu tư đang rất cần vốn của khu vực. Nhu cầu đầu tư là vào khoảng 8 nghìn tỷ dollar; Trung Quốc đã cung cấp 100 tỷ dollar và tổ chức trụ sở ở Bắc Kinh. Ngân hàng được khánh thành chính thức vào tháng 10, chỉ vài tuần trước hội nghị APEC và bao gồm 21 quốc gia: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippine, Pakistan, Bangladesh, Brunei, Campuchia, Kazakhstan, Kuwait, Lào, Myanmar, Mông Cổ, Nepal, Oman, Qatar, Sri Lanka, Uzbekistan, và Việt Nam. Australia, Indonesia, Hàn Quốc không tham gia, bất chấp mong muốn mà họ bày tỏ một năm trước – một sự thay đổi do sức ép của Hoa Kỳ. Khó có thể tin rằng Hoa Kỳ không tìm cách cô lập và làm suy yếu Trung Quốc, nghĩa là “bao vây” Trung Quốc bằng cách kéo các quốc gia khác ra khỏi thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc.
Nhận xét:
Lý do duy nhất khiến Trung Quốc, Nga và các nước khác đang tạo ra các tổ chức kinh tế mới như AIIB, BRICS, APEC và FAATP là vì những tổ chức do Phương Tây tạo ra như WTO, ÌMF, Ngân hàng Thế giới là những tổ chức mafia cá mập cho vay nặng lãi và lừa đảo tinh vi. Chúng được tạo ra bởi giai cấp thống trị và có một lịch sử dài, hết lần này đến lần khác phá hoại và bóc lột những quốc gia lúc đầu chúng tuyên bố là giúp đỡ. Đấy là chưa kể những tổ chức này gắn liền với đồng đô la, thứ đang đi chặng đường cuối cùng của nó.
Xem thêm:
Nhưng bất kể là Hoa Kỳ có cố gắng gì vào lúc này, Trung Quốc đã đủ sức mạnh quân sự để đáp trả tấn công của phương Tây – mặc dù vẫn chưa đủ để tấn công. Với sức mạnh quân sự và kinh tế, Trung Quốc có thể cung cấp cho thế giới những lựa chọn khác thay vì nghe theo mệnh lệnh của phương Tây. BRICS có thể là dấu hiệu đầu tiên của điều đó. Các dự án kinh tế và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở châu Á kéo dài đến tận châu Âu báo hiệu một thế giới mới đa cực như đã được phác thảo ở đây.
Hoa Kỳ đang bận rộn ném bom, trừng phạt và nói chung là gieo rắc đau khổ cũng như bất hòa trên khắp thế giới – nhất là ở Trung Đông. Ở Đông Á, họ đang theo đuổi chính sách cô lập Trung Quốc cũng như xây dựng liên minh quân sự chống lại Trung Quốc. Trái lại, Trung Quốc đang bận làm giàu và động viên các nước khác làm tương tự. Hoa Kỳ dựa vào súng ống; Trung Quốc dựa vào bơ sữa. Cái nào tốt hơn cho nhân loại?
Bạn nghĩ được cái tiêu đề hay quá. Nhìn là muốn đọc rồi :D
Trả lờiXóaCảm ơn bạn :) Đấy là mình lấy từ câu nói của John F. Kennedy, vị tổng thống vĩ đại cuối cùng của Hoa Kỳ: "Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước."
XóaMột lần nữa cảm ơn bạn về những bài dịch bổ ích.
Câu đó Kenedy thuổng của Khalil Gibran, một nhà thơ nổi tiếng người Lebanon: "Are you a politician asking what your country can do for you or a zealous one asking what you can do for your country? If you are the first, then you are a parasite; if the second, then you are an oasis in the desert."
Xóa