Tác giả: Nick Alexandrov
Nguồn: CounterPunch
Nguồn dịch: Hiệp Sĩ Cưỡi Lừa
“Hạn hán đã giết chúng tôi”, một người Honduras trẻ, Olman Funez nói về mùa hè năm ngoái. Anh ta đề cập tới cái mà Ngân Hàng thế giới gọi là “một trong những đợt hạn hán dài nhất suốt nửa thế kỷ qua”. Một nông dân Guatemala 60 tuổi khẳng định rằng ông chưa từng thấy “thảm họa nào như vậy”. Carlos Rosman, một nông dân Guatemala nói với phóng viên rằng “Chả có gì ở đây hết. Chúng tôi ăn những gì có thể tìm thấy.”
Những người này nằm trong số 2,8 triệu người Trung Mỹ “cố gắng một cách khó khăn để nuôi sống bản thân” trong khu vực “hàng lang khô hạn” – “một khu vực khô hạn nằm giữa Guatemala, El Salvador, Honduras và Nicaragua”, theo thông tin từ tổ chức Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc. Chính quyền Nicaragua mô tả đợt hạn hán là tồi tệ nhất trong 32 năm qua. Vào tuần trước tổ chức Chữ Thập Đỏ Quốc Tế và Trăng Lưỡi Liềm Quốc Tế “nói khoảng 571,710 người bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Honduras”, và “các hộ gia đình buộc phải bán tài sản và gia súc để mua thực phẩm cần thiết cho sống sót, trong khi những người khác đi tị nạn để tránh tác động của hạn hán”. Nhưng khủng hoảng lương thực ở Honduras và Nicaragua không phải là hiện tượng mới. Ở cả hai quốc gia này, chính sách của Hoa Kỳ đã gây ra nạn đói Trung Mỹ.
Thử xem xét Honduras, nơi mà vùng Choluteca là một phần của “hành lang khô hạn”. Lãnh sự Hoa Kỳ ở Tegucigalpa đã viết vào năm 1904 về “sự đa dạng thực vật” của Choluteca, “từ các loại thông và sồi của thượng du cho đến cọ và dừa dọc theo bờ biển”. Vùng rừng giàu có này đã bị tàn phá trong 70 năm sau đó, giảm từ 29% xuống 11% trong khu vực được thống kê vào những năm 1960 và 1970. Bãi chăn thả tăng diện tích bao phủ từ 47% lên 64% trong cùng kỳ. “Gia súc đang ăn hết rừng”, Billie R. DeWalt tường thuật trên Bản Tin Các Nhà Khoa Học Nguyên Tử ba thập kỷ trước đây. Nhà nhân loại học Jefferson Boyer đồng tình, cho biết là các trại chăn nuôi Choluteca “đơn giản chỉ thuê lao động để đốn và đốt cây cũng như bụi rậm, phát quang đất cho cỏ mọc”.
Honduras “bị biến thành bãi chăn thả gia súc khổng lồ nhằm mục đích xuất khẩu”, DeWalt nói thêm – một sự phát triển phục vụ các mục đích của Washington. Robert G. Williams cho biết một ví dụ, “Liên Minh Tiến Bộ thúc đẩy xuất khẩu thịt bò Trung Mỹ” của Kennedy, và “Ngân Hàng Thế Giới, AID, và IADB” đều coi thịt bò “là cách thực dụng và nhanh chóng để đạt được tăng trưởng nhờ xuất khẩu”. DeWalt tiếp tục, lượng thịt bò “không đến với 58% trẻ em Honduras dưới 5 tuổi có dấu hiệu suy dinh dưỡng”. Thay vào đó, nó đến Hoa Kỳ, nơi có “nhu cầu nhập khẩu vô tận các sản phẩm từ gia súc” và là “nhà nhập khẩu lớn nhất” “của thịt bò xuất khẩu từ Trung Mỹ”. Khi các công dân Mỹ nhồi nhét bít tết và hamburger vào mồm, “nguồn cung cấp thực phẩm ở các nước nghèo trở nên thiếu hụt, thất nghiệp gia tăng, và đất đai cũng như các tài nguyên khác bị suy giảm mạnh”. Người Honduras nghèo khổ do đó buộc “phải cạnh tranh với động vật để giành các tài nguyên có sẵn ở địa phương”.
Nhưng nhiều nông dân, vì lý do nào đó, không thể chấp nhận rằng họ không quan trọng bằng những con vật nuôi để giết thịt. Họ đã phản ứng lại sự phá hủy có hệ thống đối với sinh kế của họ bằng cách thành lập các tổ chức tự bảo vệ. Các chủ đất đáp trả theo cách có thể tiên lượng. “Bị chủ bãi chăn thả giết hại là chuyện phổ biến trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, và một số vụ thảm sát đã được công khai”, David Nibert kể. “Ví dụ, vào năm 1975, tại một bãi chăn thả lớn có tên là Los Horcones” - ở khu vực Olancho, một địa điểm mở rộng bãi chăn thả khác – “5 người đã bị thiêu chết trong một lò bánh mỳ, hai tu sĩ bị thiến và băm vằm, và hai phụ nữ bị ném xuống giếng rồi cái giếng bị cho nổ sập. Tất cả các nạn nhân đều có liên hệ với phong trào do nông dân tổ chức.
Lịch sử nông nghiệp Nicaragua về cơ bản cũng tương tự. Khu vực León, giờ là một phần của “hành lang khô hạn” rất gây ấn tượng với thương nhân Anh Orlando W. Roberts, ông mô tả vào năm 1827 là “miền đất rừng đẹp như trong tranh”. Phó lãnh sự Hoa Kỳ Peter F. Stout viết vào băm 1859 rằng “khu vực màu mỡ của Leon” được “bao phủ bởi rừng rậm”, các chợ tràn ngập “dưa, cam, chanh cam, chanh, đu đủ”, nhiều “loại ăn được” đều sẵn có. Nhưng sau thế chiến thứ II “khu vực bao quanh León bị biến thành đám bụi khủng khiếp khi những chủ nông trại đốn hạ rừng và trục xuất các gia đình tá điền cũng như các cộng đồng thổ dân ra khỏi đất đai của họ”, Matilde Zimmerman kể lại, đánh dấu bước phát triển của cây bông. “Trong kỳ khô hạn mùa xuân, gió nóng thổi bụi đi khắp các ngóc ngách thành phố, và không khí ở León bốc mùi thuốc trừ sâu”.
Thuốc trừ sâu đã phá hủy nông nghiệp truyền thống ở Nicaragua, một thời là giỏ bánh mỳ của khu vực. “Sản lượng lương thực cho nhu cầu nội địa giảm xuống liên tục ở Nicaragua từ năm 1948 tới năm 1978 khi ngày càng nhiều đất hơn được chuyển sang canh tác để xuất khẩu các loại sản phẩm như bông, gia súc hay thịt bò”, Clifford L. Staten viết về thời kỳ Somoza. “Vào cuối những năm 1970, chỉ có 13% dân số làm nông nghiệp có mảnh đất đủ đáp ứng các nhu cầu căn bản hay tối thiểu về lương thực.” ông ta tiếp tục. Joseph Collins chỉ ra rằng các nhà sản xuất bong Nicaragua, biến đổi đất để phục vụ cho lợi ích của họ, “đã thành công trong việc biến đất nước của họ thành thủ đô thuốc trừ sâu của thế giới. Sữa mẹ ở Nicaragua chứa lượng DDT cao hơn 45 lần so với mức cho phép của bộ y tế”.
Douglas L. Murray cho biết rằng phần lớn viện trợ nông nghiệp của Washington được dùng để mua thuốc trừ sâu. “Ví dụ vào giữa những năm 1960, Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) cho Nicaragua vay 9 tỷ dollar thông qua Chương Trình Lương Thực Cơ Bản để mua thuốc trừ sâu cho các nhà sản xuất ngũ cốc cơ bản”, nhưng "không có mấy hy vọng số hóa chất đó đến tay những người sản xuất ngũ cốc," do số tiền đó đã được dùng để "thúc đẩy sản xuất bông ở Nicaragua cũng như tạo ra doanh thu bổ sung cho các công ty hóa chất Hoa Kỳ”. Món lợi nhuận doanh nghiệp đó chỉ là một khía cạnh của phong trào sản xuất bông. Những khía cạnh khác là “sự khó khăn và đau khổ của hàng trăm ngàn người” cũng như “sự suy giảm mức độ tiêu thụ caloric của trẻ em”, khi mà sự bành trướng của bông “thay thế không chỉ việc sản xuất các ngũ cốc cơ bản và sản phẩm nông nghiệp cần thiết mà còn đẩy bật nhiều người đã sống lâu đời trên vùng đất này”, Murray kết luận.
Sự chuyển đổi nông nghiệp mà Honduras và Nicaragua đã trải qua – và đặc biệt là sự tàn phá rừng mà họ kế thừa – có thể liên quan đến sự thiếu nước hiện nay tại khu vực. Nick Nuttall, môt quan chức tham gia Hiệp Ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu, cho biết “mối liên hệ giữa nạn phá rừng và hạn hán là rất rõ ràng”, trong khi các nhà nghiên cứu khác tin rằng “hạn hán, được khuyếch đại bởi nạn phá rừng, là yếu tố chủ yếu trong sự sụp đổ nhanh chóng của đế chế Maya vào khoảng năm 950 trước Công Nguyên”.
“Con người và hệ thống sinh thái” khắp thế giới hiện nay có thể chung số phận với người Maya, Tổ Chức Liên Chính Phủ của Liên Hiệp Quốc (IPCC) về biến đổi khí hậu đã lo sợ. Trong một bản dự thảo báo cáo bị lô được sẽ công bố vào chủ nhật này, ngày 2 tháng 11, IPCC lập luận rằng “ngay cả khi thích nghi, sự ấm lên vào cuối thế kỷ 21 sẽ dẫn đến nguy cơ cao đến rất cao các tác động khốc liệt, rộng rãi, và không thể đảo ngược toàn cầu”. Do đó chúng ta phải quyết định: Hoặc là mùa hè khốc liệt ở Trung Mỹ cho chúng ta thấy trước tương lai hành tinh của chúng ta, hoặc là nó cho thấy một ác mộng mà chúng ta sẽ thoát khỏi trong tích tắc.
Nhận xét: Đây chỉ là kết quả của "sự toàn cầu hóa" hay "chủ nghĩa tự do mới" mà Hoa Kỳ cùng các nước phương Tây ra sức quảng bá trong mấy thập kỷ vừa qua. Cái gọi là "toàn cầu hóa" chẳng qua là sự bóc lột tài nguyên và sức lao động của các nước nghèo trong một cuộc chơi thương mại toàn cầu mà các nước phương Tây là người đặt ra luật và nắm hết tất cả các con át chủ bài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.