Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

Niềm tin vào "duyên nghiệp": Sợi dây trói phụ nữ Việt Nam

Tác giả: Hạ Vũ
Nguồn: Đài Châu Á Tự Do

Hầu hết mọi phụ nữ Việt Nam đều tin vào duyên nghiệp, tin rằng việc gặp gỡ, nên vợ nên chồng là bởi Duyên và việc có được cuộc sống sung túc, hạnh phúc bền lâu hay đau khổ, thiếu thốn là bởi do Nghiệp.

Trong khi rất ít đàn ông tin vào việc đó. Nguyên nhân vì sao?

Những ngày cuối tháng 9 năm 2014, cộng đồng mạng Việt Nam xôn xao chia sẻ hình ảnh, clip và các thông tin về vị Hòa thượng Thích Thanh Cường hay còn được gọi là Hòa thượng Thích Iphone đang “đập hộp” chiếc Iphone 6 chỉ 5 ngày sau khi phiên bản này được hãng Apple ra mắt tại Mỹ. Tiếp sau sự kiện đó, hàng loạt các vị “Hòa thượng thích đủ thứ”, “Hòa thượng thích tượng sứ”, v.v. được cư dân mạng chia sẻ hình ảnh ăn chơi trụy lạc, xài siêu xe, v.v.. như một minh chứng cho thầy, đối với người dân, các vị hòa thượng “không thực hành tu tập” đã trở nên quá quen thuộc với người dân Việt Nam, nhiều đến nỗi cũng chẳng ai buồn phản đối cách sống trụy lạc, khác đạo của họ.

Triết lý của Phật giáo cũng bị làm cho biến tướng bởi ảnh hưởng của Nho giáo, Khổng giáo cũng như cách diễn giải của các vị Hòa thượng “không tu tập” kể trên, nhiều khi trở thành những thứ giáo điều, kệch cỡm, khiến người Việt Nam mỗi năm đốt hàng tấn tiền giấy, cúng dưỡng rất nhiều tiền bạc vào các ngôi chùa mà quên mất việc thực hành tu tập 4 giới nghiêm của Phật pháp và hoàn toàn không hiểu Phật giáo nguyên thủy.

Mặc dù vậy, những người phụ nữ tội nghiệp nhưng đầy bao dung trên đất Việt vẫn luôn tin vào những thuyết giải phật pháp hiện tràn lan trên mạng và trong các ngôi chùa Việt, trói buộc cuộc sống của họ trong những luân hồi, nghiệp kiếp.

“Kiếp trước nợ nhiều quá, khiếp này phải trả. Cũng không biết được. Phải trả bằng hết mọi cách chứ còn không bỏ được. Cũng không biết tại sao”

Chị Trang (Nghệ An) chia sẻ một cách dè dặt khi được hỏi tại sao chị phải tiếp tục chịu đựng sự đối xử tệ bạc của gia đình chồng. Chồng chị ngoại tình, từ ngày cưới tới nay chưa đóng góp được một đồng tiền nào cho việc nuôi con và con của chị năm nay đã lên 7 tuổi.

Linh Nhi (Hà Nội) chia sẻ quan điểm của cô về nhân duyên để lý giải cho việc vì sao phụ nữ nên chấp nhận nếu chồng ngoại tình và bị bạo lực trong gia đình.

“Khi mà anh tự nhiên từ đâu đến anh đánh tôi, tôi sẽ coi như đó là nợ kiếp trước. Tôi không đánh lại bởi vì nếu tôi đánh lại tức là tôi lại gieo một cái nhân ở kiếp này. “oan oan tương báo”, cái luân hồi đấy đến bao giờ mới hết. Thế thì tôi sẽ không đánh lại anh. Thế thì anh cũng đi, tôi cũng đi và thế là nhân duyên của tôi với anh thế là hết, vậy là cái mâu thuẫn ấy được giải quyết.

Theo quan điểm phật giáo của Mẹ em thì mẹ em sẽ chấp nhận việc đấy (việc chồng ngoại tình) vì ngoài việc chấp nhận ra mình cũng không thể thay đổi được việc đấy! Nếu chăng thì mình sẽ không để cho cảm xúc của mình phụ thuộc vào việc đấy”.

Là một bà mẹ đơn thân đã phải trải qua rất nhiều sóng gió, đau khổ trong việc giành giữ gia đình trọn vẹn và quyền sở hữu nhà đất cho con cái từ người chồng đã nhiều năm bồ bịch, nhất định không cho con cái quyền thừa kế tài sản, chị Mai (Hà Nội) chia sẻ.

“Nói chung là mọi người hay nói rằng đó là cái duyên, cái số,cái nợ. Nợ từ kiếp trước đến kiếp này người ta phải trả mình hay là mình phải trả người ta. Những cái đó nó in sâu vào tâm trí của nhiều người rồi. Với chị thì chị thấy, khi mà mình suy nghĩ được như thế, mình cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Ví dụ mình yêu chồng mà chồng bỏ mình, mình cảm thấy rất đau khổ. Nhưng nếu mình nghĩ rằng đó là cái duyên cái số nó chỉ đến đó thôi, không hơn được nữa thì nó là cái sự an ủi cho chính bản thân mình. Nó cũng là tốt. Mà trong cuộc sống thì mọi thứ đều có mặt hay, mặt dở, mặt tốt, mặt xấu. Nếu mình gặp cái gì sui sẻo thì mình cứ đổ cho số, như thế nhẹ nhàng hơn”.

Trong khi đó, chị Sen (Sài Gòn), một bà mẹ đơn thân đã giành tới 5 năm chăm sóc, giúp đỡ, chia sẻ cuộc sống và chờ đợi đám cưới từ một người đàn ông không thành, thay vì phân tích, mổ xẻ về người đàn ông không dám gánh chịu trách nhiệm với bé trai con chị, chị cho rằng:

“Lúc đó đang quen một anh, tới 4, 5 năm. Dụ cưới miết nhưng không cưới luôn. Đủ các lý do. Hẹn hè sang tết, tết rồi đến hè, mùa thu sang mùa xuân. 5 mùa trôi qua mà không thấy cái gì. Tôi nghĩ hai người chỉ có duyên gặp gỡ nhưng không có nợ để đến với nhau.

Khi có may mắn gặp được người đàn ông sẵn sàng chấp nhận quá khứ của chị, chia sẻ với chị tương lai, chị cũng tin rằng đó là do duyên số.

Thế rồi về quê, đi xóc xăm, ông thầy nói sau này sẽ lấy một người chồng mà nói chung phải có một sự kiện gì đó. Nói chung người đó phải là khác nước hoặc là lớn tuổi hơn hoặc là không cùng tầng lớp với mình gì đó. Và mình không biết vì đâu có quen ai bao giờ. Vậy mà đúng một tháng sau, công ty của mình bị kiểm ra. Rồi mình gặp anh chồng. Nói chung thì câu chuyện cũng dài dòng nhưng sau một sự kiện, biến cố lớn thì hai người quen nhau. Nghĩ lại lời ông thầy ở chùa nói thì đúng là vợ chồng có duyên có số”.

Có rất nhiều những câu chuyện được chia sẻ với hình ảnh của Phật bà quan âm bồ tát, hoặc bạn cũng có thể dễ dàng Google ra những bài thuyết pháp về nhân duyên, gia đình của các vị “sư” trên internet, nói rằng “Kiếp này nếu bạn bị chồng đánh thì đó là do kiếp trước bạn đã đánh anh ta. Nếu món nợ là 1000 roi, chỉ cần bạn trả đủ 1000 roi, tự khắc người đàn ông sẽ thay đổi”, v.v.và hầu hết phụ nữ Việt Nam tin vào những thuyết giáo này, với thái độ hết sức bao dung, cho rằng đó không phải lỗi của mình (ở kiếp này).

Trong khi đó, có rất ít đàn ông tin vào duyên nghiệp. Thái Anh, Đà Nẵng cho rằng:

“Đàn ông, hoặc cho rằng đó là chuyện nhảm nhí; hoặc là sợ trả nợ không có nổi cho nên họ không có nghĩ tới mấy chuyện đó”.

Ở bất cứ thời kỳ nào, cho dù chiến tranh, nhiễu loạn hay thời kỳ tôn giáo bị thương mại hóa đến điên đảo như ngày nay, người phụ nữ Việt Nam cũng đều thật bao dung, vị tha và luôn luôn có suy nghĩ tích cực, cho dù cuộc sống có bị lợi dụng, khó khăn đến thế nào.

Nếu như, Phật giáo với 03 giá trị cốt lõi của nó là “Không hại mình, không hại người và không hại chúng sinh” được thực hành nghiêm khắc bởi tất cả mọi người trên đất Việt. Nếu không có những vị “sư” thương mại hóa, những ngôi “chùa” thương mại hóa và những người đàn ông không tin vào phật pháp, thế giới chỉ có những người phụ nữ bao dung, nhẹ dạ, tin tưởng và thực hành tu tập như chúng ta đã trò chuyện ở trên sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu!

Có thể, đó là một trong những nguyên nhân khiến cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam giống như một “nhiệm vụ bất khả thi”.

Nhận xét: Xiềng xích vững chắc nhất là những xiềng xích mà người bị trói không nhìn thấy. Trong trường hợp phụ nữ Việt Nam, những xiềng xích đó là những niềm tin Nho giáo, rằng phụ nữ phải luôn phục tùng chồng con, phải luôn tận tụy hết mình mà không được đòi hỏi quyền lợi gì cả. Cho đến khi niềm tin đó thay đổi, quả thực sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam giống như một "nhiệm vụ bất khả thi".



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.