Tác giả: Nhàn Đàm
Nguồn: BaoNga.com
Châu Âu và cả thế giới đang nín thở theo dõi những động tĩnh ở EU vào thời điểm hiện tại, khi hai gương mặt nổi bật nhất liên quan đến vấn đề lớn nhất của EU hiện tại là Đức và Hy Lạp chạm trán nhau trong một cuộc gặp có thể quyết định số phận của cả khu vực đồng tiền chung. EU tan vỡ hay không?
Liên minh Châu Âu có thể đứng trước nguy cơ tan vỡ là kịch bản xấu nhất đang được đưa ra khi vấn đề Hy Lạp có thể trở thành ngòi nổ kích hoạt cho việc một loạt các nước khác đòi rời khỏi khu vực đồng tiền chung. Dù vẫn còn quá sớm để dự đoán điều gì sẽ xảy ra, nhưng có vẻ như câu trả lời lại đang nằm ở một thứ khác, đó là vàng.
Chưa bao giờ mà câu chuyện về vàng lại trở nên sôi động và ầm ĩ hơn thời điểm hiện tại ở Châu Âu. Thứ kim loại quý bậc nhất này từ lâu vẫn được coi là một trong những mặt hàng chủ yếu nhất trên thế giới và luôn có ảnh hưởng nhất định đến thị trường tiền tệ thế giới. Dù đã qua giai đoạn bản vị vàng nơi tiền giấy được cố định chặt chẽ vào vàng, thì thứ kim loại lấp lánh này vẫn không mất đi giá trị của nó.
Hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn dự trữ một lượng vàng nhất định như một sự đảm bảo cần thiết cho trụ cột của nền kinh tế. Thế nhưng chưa khi nào, kể từ khi chế độ bản vị vàng chấm dứt, vàng lại có ảnh hưởng mang tính quyết định đến vận mệnh một nền kinh tế.
Thế nhưng nó lại đang dần trở thành sự thực ở thời điểm hiện tại, ở Châu Âu. Dấu hiệu đầu tiên lờ mờ xuất hiện khi Hà Lan không kèn không trống chuyển 120 tấn vàng dự trữ của mình từ Mỹ về Amsterdam vào tháng 11.2014. Giải thích điều này, ngân hàng trung ương Hà Lan tuyên bố điều này sẽ khiến người dân cảm thấy yên tâm hơn.
Không ai nói ra, nhưng tất cả đều hiểu Hà Lan làm điều này là để đề phòng trường hợp xấu nhất, khi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Khi có vàng trong tay, Hà Lan vẫn có thể gượng dậy nếu khu vực đồng tiền chung tan vỡ, vì lượng dự trữ vàng luôn có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong việc phát hành đồng tiên riêng của mỗi quốc gia.
Không chỉ có Hà Lan, người Đức tỏ ra là những người có tầm nhìn xa trông rộng hơn khi đã lên kế hoạch chuyển 300 tấn vàng dự trữ của mình ở New York về nước vào năm 2013. Việc Đức, nước sở hữu 3386 tấn vàng, nhiều thứ hai thế giới sau Mỹ, tìm cách chuyển dần lượng vàng dự trữ của mình ở nước ngoài về nước làm dấy lên một loạt các động thái tương tự từ các quốc gia Châu Âu khác.
Lần lượt Áo, Thụy Sĩ đều yêu cầu chính phủ đưa vàng về nước, trong khi Pháp thì đòi kiểm kê lượng vàng dự trữ trong kho. Cũng giống như Hà Lan, tất cả các nước Châu Âu muốn đưa vàng dự trữ về nước đều đang cảm thấy nguy cơ ở khu vực đồng tiền chung đang gia tăng và có thể nhấn chìm các quốc gia thành viên nếu họ không chuẩn bị từ trước.
Sở dĩ như vậy, là vì vàng vẫn đang là một trong những yếu tố mấu chốt cấu thành sức mạnh tài chính của một quốc gia. Các quốc gia dự trữ vàng giờ đây không chỉ như một hình thức đa dạng quỹ dự trữ, mà nó còn là một bộ phận quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến sức mạnh tài chính quốc gia như thanh khoản và tác động đến giá trị đồng nội tệ.
Khi tài chính của một quốc gia có vấn đề, thì việc quốc gia đó sở hữu bao nhiêu vàng sẽ có ý nghĩa lớn trong việc có thể xử lý rắc rối đó được hay không, vì khác với tiền giấy, vàng là món hàng luôn có sự ổn định cao về giá trị và có thể giao dịch bất cứ lúc nào kể cả khi đồng nội tệ có vấn đề.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ 2007 lại càng khẳng định vai trò quan trọng của vàng, khi Mỹ in thêm tiền để giải cứu hệ thống tài chính của mình dẫn đến việc đồng USD mất giá đã khiến hàng loạt các quốc gia chuyển dần một phần dự trữ sang vàng để đảm bảo an toàn.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Châu Âu hiện này thì việc các nước thành viên EU rút vàng về nước là điều không khó hiểu. Khi đồng Euro chưa được đưa vào sử dụng như một đồng tiền chung thì các nước tự kiểm soát hệ thống tài chính và đồng nội tệ của mình, việc để xảy ra khủng hoảng tài chính là rất khó, do vậy có để vàng ở nước ngoài cũng không sao.
Nhưng một khi đồng Euro đã đưa vào sử dụng và các nước không còn có quyền tuyệt đối kiểm soát đồng tiền đang lưu hành, thì thiệt hại sẽ là không đong đếm được nếu khủng hoảng xảy ra đe dọa xóa sổ toàn bộ nền kinh tế khu vực đồng tiền chung. Để giảm thiểu thiệt hại nếu nguy cơ này xảy ra, việc các quốc gia nắm vàng trong tay sẽ là biện pháp đảm bảo cần thiết, dù chưa chắc có thể giải quyết toàn bộ vấn đề.
Tuy vậy, cũng không dễ dàng gì với các nước Châu Âu trong việc đưa vàng của mình về nước. Phần lớn các quốc gia Châu Âu đều gửi vàng của mình ở các hầm an toàn ở Mỹ hay Anh, nhưng không phải cứ muốn là rút về được. Năm 2013 Đức đã không thể rút lượng vàng ký gửi ở Mỹ vì một lý do nào đó mà chính phủ Đức không công bố, nhưng một số chuyên gia cho rằng đó là do áp lực từ phía Mỹ và một số các nước EU khác.
Đức hiện đang là thủ lĩnh của khu vực đồng tiền chung, và trách nhiệm của Đức là làm mọi thứ có thể để giữ sự ổn định của khu vực này thay vì tìm cách rút lui.
Bằng cách giữ lại vàng của Đức ở Mỹ, các nước EU và Mỹ đã chặn đường lui của người Đức trong vấn đề xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế ở khu vực đồng tiền chung, buộc Đức không còn cách nào khác là tìm mọi cách giải quyết vấn đề này. EU tan vỡ hay không do người Đức tự quyết lấy.
Nhận xét: Việc các nước ồ ạt rút vàng dự trữ quốc gia khỏi kho chứa ở Mỹ và Anh đã xảy ra vài năm nay nên cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp rõ ràng không phải nguyên nhân. Nguyên nhân khả dĩ hơn là cũng giống như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, các nước này đã thấy trước hệ thống kinh tế dựa vào đồng đôla Mỹ đang đi đến hồi kết và muốn chuẩn bị cho kết cục đó, bởi vì khi đó vàng sẽ trở lại vị trí thống lĩnh của nó. Tuy nhiên, việc các nước này gặp khó khăn khi rút vàng về cho thấy nhiều khả năng lượng vàng họ gửi chỉ còn tồn tại trên giấy tờ mà thôi.
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.