Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Ukraine cắt đứt cội nguồn Liên Xô, gieo mầm phát xít

Phát xít Ukraine

Tác giả: Thiên Nam
Nguồn: Báo Đất Việt

Hàng loạt chính sách xuyên tạc Lịch sử Thế chiến 2, cắt đứt nguồn gốc Liên Xô

Viện Ký ức quốc gia Ukraine (UINP) vừa đưa ra khuyến nghị đổi tên 908 thị trấn và làng mạc ở trong nước, có tên gọi gắn với lịch sử Liên bang Xô viết hay có liên quan đến lịch sử Chiến tranh thế giới thứ 2.

Đồng thời, Viện còn cho cho biết thêm, hạn cuối cùng là đến ngày 21 tháng 11 năm nay, chính quyền nhà nước ở địa phương, các cơ quan tự quản địa phương phải trình báo cáo lên Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) về đề xuất tên gọi mới của các khu định cư.

Nếu trong vòng ba tháng tiếp đó - đến ngày 21 tháng 2 năm 2016, các cơ quan chính quyền địa phương không trình được báo cáo đổi tên các thị trấn và làng mạc này, đích thân Quốc hội sẽ ra quyết định vể việc đổi tên trên cơ sở các khuyến nghị của UINP.

Được biết, từ khi lật đổ chế độ của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, chính quyền thân phương Tây ở Kiev cũng đã đưa ra hàng loạt quyết định xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới thứ 2 và cắt đứt cội nguồn Liên Xô của mình.

Được biết, việc đổi tên các địa danh ở địa phương có gắn với nguồn gốc “cộng sản” là những vấn đề nằm trong phạm vi chế tài của đạo luật “bài trừ cộng sản” đã được Verkhovna Rada thông qua hồi tháng 4 năm nay.

Ngày 9-4-2015, Quốc hội Ukraine cũng đã thông qua luật về việc lên án và cấm tuyên truyền quảng bá tư tưởng và các biểu tượng của chủ nghĩa Phát xít và Cộng sản, “công nhận chế độ Cộng sản 1917-1991 (Liên Xô) là tội phạm khủng bố nhà nước, tương đương với chế độ Phát xít độc tài.

Phong trào phá bỏ những “tàn dư của Liên Xô” như tượng đài Lê Nin, tượng đài chiến sĩ Hồng quân tiếp tục tái diễn. Chỉ trong vòng 1 năm từ khi cuộc chính biến trên quảng trường Độc Lập nổ ra, hơn 500 tượng đài đã bị phá bỏ trong tiếng hô vang “Vinh quang Ukraine”.

Trước đó, Phó Thủ tướng Ukraine Vyacheslav Kyrylenko từng tuyên bố rằng, vấn đề đổi tên thành phố mang những tên gọi Liên Xô sẽ được quyết định trong cuộc trưng cầu dân ý.

Cùng với đó, theo luật pháp, để đổi tên đường phố cần phải có quyết định của hội đồng địa phương, còn để thay đổi tên của khu dân cư thì đòi hỏi quyết định của Verkhovna Rada.

Những chính khách và chính trị gia, thậm chí là tầm nguyên thủ quốc gia Ukraine cũng thường xuyên tuyên tuyền cho giới trẻ bằng những phán xét sai lệch về lịch sử, những tuyên ngôn bôi nhọ quá khứ của Liên bang Xô viết, điển hình là Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk.

Ông này thản nhiên xuyên tạc lịch sử, coi rẻ xương máu của những chiến sĩ của các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết - trong đó có những người con Ukraine - đã hy sinh trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đánh bại quân Đức, bảo vệ châu Âu khỏi hiểm họa Phát xít.

Về vấn đề này, các học giả thế giới lo ngại rằng luật “bài trừ cộng sản”, xóa nguồn gốc Xô viết của Ukraine sẽ cản trở công việc của các nhà sử học, các nhà hoạt động nhân quyền coi chung là trái ngược pháp luật châu Âu. Đông đảo chính khách và nhân dân các nước châu Âu đã phản đối quyết liệt những hành động này của chính quyền Kiev.

Sửa sách giáo khoa lịch sử, bôi nhọ Nga, tôn vinh chủ nghĩa phát xít

Cũng trong tháng 4-2015, Bộ Giáo dục và khoa học Ukraine thông qua các bổ sung cho sách giáo khoa lịch sử lớp 11, tiến thêm một bước gia tăng sự thù hận nhằm vào Nga, gieo rắc thêm vào đầu lớp trẻ Ukraine những điều dối trá suốt 24 năm qua, kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Những thông tin lịch sử mới, bao trùm giai đoạn xuất hiện cuộc biểu tình trên Quảng trường Độc lập (Maidan Nezalezhnosti) ở Kiev, đòi bãi nhiệm Tổng thống hợp Hiến Viktor Yanukovych, gia nhập Liên minh châu Âu vào mùa thu năm 2013, cho đến thời điểm chiến sự ở đông nam đất nước.

Sách giáo khoa mới của Ukraine sẽ dạy trẻ em nước này biết rằng, "quân xâm lược Nga" và "bè lũ tay sai của Nga" đang xâm lược Tổ quốc, phá hoại đất nước, giết hại thường dân Ukraine và quân đội nước này đang tiến hành "cuộc chiến tranh nhân dân chống lại nước Nga xâm lược".

Ngoài ra, phần bổ sung của sách giáo khoa còn mô tả chi tiết, "quân xâm lược Nga" đã bắn tên lửa xuống các thành phố Ukraine bình yên, "tay sai của Nga" gài mìn phá hoại đường ray, trụ sở hành chính, sát hại thường dân Ukraine, nhằm dựng lên bầu không khí lo sợ và và ám ảnh chiến tranh".

Hoạt động trừng phạt người dân Donbass không ủng hộ cuộc đảo chính vũ trang được Kiev gọi là "cuộc chiến của nhân dân Ukraine chống lại nước Nga xâm lược" và được ca ngợi là "một sự kiện trung tâm của lịch sử hiện đại, không riêng đối với Ukraine mà cả châu Âu và thế giới".

Phiên bản mới nhất của sách giáo khoa lịch sử dạy trẻ em lớp 11 của Ukraine còn bịa đặt rằng, lực lượng đặc nhiệm Nga đã chuẩn bị một hoạt động bí mật mang tên “Boomerang”, có sự tham gia của 22 nghìn nhân viên đặc nhiệm Nga, với nhiệm vụ “tiêu diệt những người Maidan".

Sau đó, chính quyền Maidan của Ukraine tiếp tục tôn vinh chủ nghĩa phát xít bằng cách ấn định ngày 14-10 - ngày Stepan Bandera thành lập UPA là “Ngày bảo vệ Tổ quốc” (thay cho ngày thành lập Quân đội Liên Xô - 23/2) và chọn ngày 21 tháng 11 làm “Ngày Nhân phẩm và Tự do” - kỷ niệm ngày nổ ra cuộc “Cách mạng Cam” lần 1 vào 21-11-2004.

Mới đây nhất, ngày 9-4-2015, Quốc hội Ukraine đã ban hành luật 2538-1 về quy chế pháp lý và tôn vinh những người đã tham gia các tổ chức chống chính quyền Xô Viết từng tồn tại trên lãnh thổ Ukraine là “chiến sỹ đấu tranh vì độc lập của Ukraine” trong thế kỷ 20.

Danh sách này gồm có: Quân đội Cộng hòa Nhân dân Ukraine (UNR), Cộng hòa nhân dân miền Tây Ukraine (ZUNR), Karpatskaia Sech, Tổ chức quân sự Ukraine (UVO), Tổ chức dân tộc Ukraine (OUN), Hội đồng giải phóng Ukraine, Nhóm Ukraine-Helsinky và Quân đội khởi nghĩa Ukraine (UPA).

Dường như đối với những người trẻ tuổi Ukraine, quá khứ gắn với nước Nga Sa Hoàng, với Liên Xô và nước Nga ngày này đều là “quá khứ nhục nhã” cần phải phế bỏ, “lịch sử vinh quang” của Ukraine phải được lớp trẻ Ukraine ngày nay viết lại với những hành động mang đậm tính dân tộc cực đoan.

Ngày nay, trên đất nước Ukraine ở đâu cũng gặp những biểu tượng của chủ nghĩa phát xít Đức. Nó có thể thấy nhan nhản ở thành viên của các đảng phái cực hữu, thậm chí trong cả lực lượng vũ trang, hầu như cuộc tuần hành nào cũng có thể bắt gặp.

Dường như đó đã là một lí tưởng sống mới của lớp trẻ hiện nay, những gì không phù hợp với lí tưởng phương Tây của họ thì phải được đập đi, xây lại, nhưng không phải bằng lòng yêu nước, tri thức và nhiệt huyết của tuổi trẻ mà bằng những viên đạn trên đầu mũi súng.

Và dường như đã đến lúc Ukraine đang phải trả giá vì chính những hành động “xuyên tạc lịch sử”, “bôi nhọ quá khứ” của mình khi những phần tử phát xít Ukraine đang ngày càng lộng hành.

Nhà chính trị học Ba Lan và cũng là Giám đốc Trung tâm phân tích Địa chính trị châu Âu Mateush Piskorskiy đã đưa ra nhận định: "Những thành viên của UPA ở Ukraine có thể dẫn tới một Maidan mới và rất có thể một chính quyền mới ở Kiev sẽ ra đời trong thời gian tới".

Những dấu hiệu gần đây cho thấy, các thế lực phát xít mới ở Ukraine, mà đại diện là Pravyi Sector đã trở nên không thể kiểm soát được. Đã đến lúc chính quyền thân phương Tây ở Kiev và những thế lực hậu thuẫn cho họ phải nhận lãnh hậu quả từ “đứa con” do mình đẻ ra.

Xem thêm:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.