Ảnh chụp một vụ nổ mảnh thiên thạch trên bầu trời Astrakhan, miền nam nước Nga, ngày 7-6-2012. Chúng ta có thể thấy tại sao người cổ đại gọi sao chổi/cầu lửa trên bầu trời là con rồng. |
Nguồn: Sott.net (đăng từ năm 2008)
Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại
“Thời gian trôi qua, nhưng họ luôn luôn còn 5 - 7 năm thì hoàn thành quả bom.” - Shlomo Brom, phó cố vấn an ninh quốc gia của Israel dưới thời cựu Thủ tướng Ehud Barak.
Trong khi các chính trị gia Israel tiếp tục đánh trống báo động về thứ mà họ (và bây giờ cũng chỉ còn mình họ) tuyên bố là mối đe dọa sắp xảy đến từ một nước Iran có vũ khí hạt nhân, những luận điệu kích động tương tự đang được sử dụng để cố gắng thuyết phục chúng ta về một mối đe dọa hoàn toàn khác nhưng cũng không kém phần lớn lao đối với cuộc sống trên trái đất - “biến đổi khí hậu”. Họ nói rằng chúng ta còn nhiều nhất là 10 năm để ngăn chặn sự hủy diệt không thể tránh khỏi hoặc phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc như các thành phố ven biển chìm trong nước, động đất, sóng thần, bệnh tật nhiệt đới di chuyển lên phía bắc. Trong khi thu thập tài liệu cho bài viết này, tôi đọc một bài blog trong đó có nêu một điểm rất đáng chú ý:
Đặt khoa học sang một bên, một điều tôi thấy nghi ngờ về lý thuyết thảm họa khí hậu là ở chỗ trong khi có sự thay đổi to lớn và khủng khiếp này ở trước chúng ta, bằng một sự ngẫu nhiên trùng hợp đến kỳ lạ, chúng ta luôn luôn nghe nói rằng chúng ta có khả năng ngăn chặn nó với điều kiện - và đến đây người phát biểu bao giờ cũng khoác lên mình điệu bộ cực kỳ nghiêm trọng và khẩn cấp của một màn quảng cáo rẻ tiền - chúng ta phải hành động ngay lúc này. Điều này thật kỳ lạ, bởi vì chúng ta đang nói về tình huống mà (theo những người ủng hộ lý thuyết thảm họa khí hậu ấy) đã diễn ra và tăng dần suốt từ thời Cách mạng Công nghiệp cuối thế kỷ 18. Với khoảng thời gian dài và bao nhiêu ẩn số liên quan như vậy, bạn chắc phải nghĩ rằng việc dự đoán chính xác thời điểm “không còn đường quay lại” sẽ phải có một khoảng sai số đáng kể. Do đó, thật kỳ lạ là không có lấy một người ủng hộ lý thuyết biến đổi khí hậu tuyên bố rằng “Chết rồi! Tôi không muốn phải nói điều này với các bạn, nhưng chúng ta đã 1 – 2 năm (hoặc là 10 hay 50 năm) quá muộn và về cơ bản là chẳng còn gì chúng ta có thể làm nữa.” Có lẽ thêm vào đó: “Đã thế thì chúng ta cứ mặc kệ - mọi người hãy cùng ra cửa hàng xe ô tô SUV mua cái nào càng to càng tốt!” Hoặc là “Hãy tập hợp 10.000 người lại và cùng bay ra Bali làm một bữa tiệc lớn!”
Ngược lại, có hàng ngàn người trong số họ nghĩ rằng chúng ta chỉ còn một vài năm nữa thì đến điểm không còn đường quay lại ấy...
Vậy đó: Chúng ta luôn luôn còn một vài năm nữa là đến điểm không còn đường quay lại, cho dù nó là Iran, biến đổi khí hậu, hay một “thảm họa” nào đó khác mà chúng ta phải hành động ngay lập tức trước khi quá muộn. Lỡ chẳng may Iran đã có bom hạt nhân? Lỡ chẳng may chúng ta đã vượt qua điểm không còn đường quay lại? Bạn sẽ làm gì? HỌ sẽ làm gì?
Và nó dẫn tôi đến bài viết lý thú này:
Có một điều mà bạn không thể nói về người sáng lập Microsoft, Bill Gates, là lười biếng. Ông bắt đầu lập trình ở tuổi 14, thành lập Microsoft ở tuổi 20 trong khi vẫn là một sinh viên tại Harvard. Đến năm 1995, ông đã được tạp chí Forbes liệt kê là người giàu nhất thế giới do là cổ đông lớn nhất của Microsoft, công ty mà sự nỗ lực không ngừng của ông đã biến nó thành gần như độc quyền trong lĩnh vực phần mềm cho máy tính cá nhân.
Năm 2006, khi mà hầu hết mọi người trong hoàn cảnh đó sẽ nghĩ đến việc về nghỉ hưu ở một hòn đảo Thái Bình Dương yên tĩnh, Bill Gates quyết định cống hiến năng lực của mình cho Quỹ Bill và Melinda của ông, quỹ tư nhân “minh bạch” lớn nhất thế giới như nó tự nhận, với số vốn khổng lồ 34,6 tỷ đôla và điều kiện theo luật pháp phải tiêu 1,5 tỷ đôla mỗi năm vào các dự án từ thiện trên thế giới để duy trì phân loại từ thiện miễn thuế của nó. Món quà 30 tỷ đôla bằng cổ phiếu Berkshire Hathaway từ người bạn làm ăn, nhà siêu đầu tư Warren Buffett, vào năm 2006 đưa quỹ của Gates vào tầm cỡ nơi mà lượng tiền nó phải tiêu hàng năm gần như bằng toàn bộ ngân sách của Tổ chức Y tế Thế giới của Liên hợp quốc.
Vậy nên khi Gates, thông qua Quỹ Gates, quyết định đầu tư khoảng 30 triệu đôla vào một dự án nào đó, dự án ấy đáng để chúng ta chú ý tới.
Không có dự án nào đáng chú ý tại thời điểm này hơn một dự án kỳ lạ ở một trong những địa điểm hẻo lánh nhất của thế giới, Svalbard. Bill Gates đầu tư hàng triệu đôla vào một ngân hàng hạt giống trên bờ biển Barents gần Bắc Băng Dương, cách cực bắc khoảng 1.100 km. Svalbard là một quần đảo đá cằn cỗi thuộc chủ quyền Na Uy, thiết lập vào năm 1925 thông qua một hiệp ước quốc tế. (xem bản đồ)
Trên hòn đảo bị Chúa bỏ quên này, Bill Gates đầu tư hàng chục triệu đôla của ông ta cùng với Quỹ Rockefeller, Tập đoàn Monsanto, Quỹ Syngenta và chính quyền Na Uy cùng nhiều tổ chức khác, vào cái gọi là “ngân hàng hạt giống ngày tận thế”. Tên chính thức của dự án là Hầm Hạt giống Toàn cầu Svalbard đặt trên hòn đảo Spitsbergen của Na Uy, thuộc quần đảo Svalbard.
…
Liệu đây có phải đơn giản là sự cẩu thả về mặt triết học không? Cái gì đã khiến hai Quỹ Gates và Rockefeller, một mặt ra sức nhân rộng các hạt giống biến đổi gen độc quyền Terminator trên khắp Châu Phi, một quá trình mà, như nó đã diễn ra tại mọi nơi khác trên trái đất, sẽ hủy diệt sự đa dạng hạt giống; và cùng lúc đó đầu tư hàng chục triệu đôla để bảo tồn mọi loại hạt giống được biết trong một cái hầm kiên cố có thể chống bom ở gần Bắc Cực “nhằm bảo tồn sự đa dạng hạt giống cho tương lai”, như tuyên bố chính thức của họ nêu rõ?
Tiêu đề phụ của bài viết trên là “Bill Gates, Rockefeller và các đại gia doanh nghiệp biến đổi gen biết điều gì đó mà chúng ta không biết.” Đúng vậy.
Trong khi cuộc đàm phán khí hậu ở Bali sắp đổ vỡ và Liên minh Châu Âu đe dọa sẽ tẩy chay cuộc đàm phán khí hậu do Hoa Kỳ chủ trì vào tháng tới trừ phi Washington chấp nhận đàm phán cắt giảm sâu lượng khí thải gây nóng lên toàn cầu, chúng ta một lần nữa được nhắc nhở rằng chúng ta chỉ còn 10 năm nữa là đến “điểm tới hạn”. Nếu bạn bỏ thời gian nghiên cứu các tình huống khác nhau trong bản báo cáo của IPCC, bạn sẽ thấy rằng ngay cả với sự cắt giảm quyết liệt nhất, tất cả các mô hình vẫn dự đoán sự nóng lên ngày càng tăng nhanh. Ngay cả nếu lượng khí thải không còn gia tăng nữa vào năm 2100, sự nóng lên vẫn cứ tiếp tục, và nếu nó được đồng ý cắt giảm xuống nữa, điều đó cũng chỉ trì hoãn sự nóng lên đến một thời điểm nào đó sau 2100. Vậy họ đang cố gắng cứu Trái Đất cho ai? Chỉ đến đời cháu họ thôi? Hãy đối mặt với nó: hoặc là tất cả, hoặc là không gì cả. Hoặc là chúng ta cắt hoàn toàn khí thải ngay bây giờ, hoặc là chúng ta nói lời từ biệt với tất cả, bởi vì việc gì phải làm tất cả những trò ấy nếu cuối cùng nó không có gì khác biệt? Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu mới, “Sự Nóng lên Toàn cầu được gây ra bởi tự nhiên và không chịu ảnh hưởng bởi con người”:
Các nhà khoa học khí hậu tại trường Đại học Rochester, Đại học Alabama và Đại học Virginia báo cáo rằng mô hình của sự thay đổi nhiệt độ (“dấu vân tay”) quan sát được trong 30 năm qua không giống những gì dự báo bởi lý thuyết nhà kính và chỉ có thể được giải thích bởi các yếu tố tự nhiên như biến đổi năng lượng mặt trời. Do đó, biến đổi khí hậu là “không thể ngăn cản được” và không bị ảnh hưởng hay thay đổi bởi việc kiểm soát khí thải nhà kính như CO2 như trong các đề xuất luật pháp hiện nay.
Những kết quả này mâu thuẫn với kết luận của Ủy ban Liên Chính phủ về Thay đổi Khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc và với một số nghiên cứu công bố gần đây dựa trên gần như cùng nguồn dữ liệu. Tuy nhiên, chúng được hỗ trợ bởi kết quả từ Chương trình Khoa học Biến đổi Khí hậu (CCSP) do Hoa Kỳ tài trợ.
Báo cáo này được công bố trên số ra tháng 12 năm 2007 của Tạp chí Quốc tế về Khí hậu của Hội Khí tượng Hoàng gia (International Journal of Climatology of the Royal Meteorological Society) [DOI: 10,1002 / joc.1651]. Các tác giả là Giáo sư David H. Douglass (Đại học Rochester), Giáo sư John R. Christy (Đại học Alabama), Benjamin D. Pearson (sinh viên sau đại học), và Giáo sư S. Fred Singer (Đại học Virginia ).
…
Đồng tác giả S. Fred Singer cho biết: "Xu hướng nóng lên hiện nay chỉ đơn giản là một phần của chu kỳ tự nhiên của khí hậu nóng lên rồi lạnh đi như được thấy trong các lõi băng, trầm tích biển sâu, măng đá, v.v... và được công bố trong hàng trăm bài viết đăng tại các tạp chí khoa học. Cơ chế tạo ra những biến đổi khí hậu theo chu kỳ đó vẫn đang được thảo luận; nhưng có nhiều khả năng chúng được gây ra bởi thay đổi trong gió mặt trời và trường điện từ, và thông qua đó ảnh hưởng đến thông lượng của tia vũ trụ lên bầu khí quyển. Những tia vũ trụ đó được cho là có ảnh hưởng đến lượng mây nhiều hay ít, do đó kiểm soát lượng ánh sáng mặt trời đến được bề mặt trái đất, và thông qua đó kiểm soát khí hậu. Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh rằng sự gia tăng liên tục của CO2 trong khí quyển chỉ có ảnh hưởng nhỏ đến biến đổi khí hậu. Do vậy, chúng tôi kết luận rằng những cố gắng kiểm soát lượng khí thải CO2 hiện nay là vô ích và vô nghĩa lý - nhưng lại rất tốn kém.”
Hoặc có thể có một động cơ bên trong:
Số phận của Trái Đất được quyết định ở Bali, nhưng vấn đề không phải là liệu nhân loại có chống nổi “cuộc khủng hoảng khí hậu” không, hay liệu cộng đồng quốc tế có phác thảo phiên bản tiếp theo của Hiệp ước Kyoto rách nát hay không. Chủ đề thực sự của cuộc họp Liên hợp quốc lần này - cũng như 12 lần trước đó và hàng trăm, nếu không phải là hàng ngàn, cuộc họp có liên quan - là liệu quá trình toàn cầu hóa và tự do thương mại hóa có được phép tiếp tục, cùng với sự tăng trưởng tương ứng về của cải, sức khỏe và phúc lợi xã hội, hay những kẻ thù độc tài của tự do (những kẻ rất hiếm khi nhận ra bản thân họ là như vậy) sẽ thành công trong việc sử dụng sự cuồng loạn về môi trường hiện nay để làm suy yếu chủ nghĩa tư bản và gia tăng sự thống trị của họ. Bất cứ phiên bản tiếp theo nào của Kyoto cũng sẽ chỉ làm lợi cho các nền kinh tế giàu, gia tăng sự oán thán của thế giới nghèo, phát động chiến tranh thương mại dựa trên lý do môi trường và phủ lên toàn thế giới các luật lệ và quy định chỉ có lợi cho những kẻ cai trị và quản lý. Bali không phải là về khí hậu; nó tượng trưng cho sự tấn công liên tục lên tự do bởi những kẻ tìm kiếm quyền lực chính trị dưới vỏ bọc của sự quan tâm đến nhân loại.
Liệu “tự do hóa” thương mại có mang lại của cải, sức khỏe và phúc lợi xã hội hay không còn là điều gây tranh cãi. Biến những người từng là nông dân sống trên ruộng đất của họ thành nô lệ bằng cách đẩy họ vào các xưởng làm công với tiền lương rẻ mạt không mang lại của cải, sức khỏe và phúc lợi xã hội gì hơn là nền công nghiệp chăn nuôi mang lại lợi ích cho con bò. Nhưng người viết bài đó có một ý hay: “Bali không phải là về khí hậu; nó tượng trưng cho sự tấn công liên tục lên tự do bởi những kẻ tìm kiếm quyền lực chính trị dưới vỏ bọc của sự quan tâm đến nhân loại.” Và cũng như cuộc xâm lược Iraq lúc đầu được quảng bá là để cứu chúng ta khỏi Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt, rồi sau đó biến thành cứu người dân Iraq khỏi một tên bạo chúa, đến bây giờ là cứu người dân Iraq khỏi chính họ, một kịch bản “giải cứu” cuộc khủng hoảng khí hậu cũng sẽ biến hóa thành “giải cứu” chúng ta khỏi một loạt những “thảm họa” khác:
Không giống như những vấn đề tưởng như nan giải khác có xu hướng biến đi khi được xem xét và phân tích kỹ càng, rắc rối về biến đổi khí hậu càng trở nên lớn hơn và đáng sợ hơn khi chúng ta biết nhiều hơn về nó.
Giờ đây chúng ta khám phá ra rằng không chỉ đại dương và bầu khí quyển âm mưu chống lại chúng ta, mang lại nhiệt độ nóng bức, nhiều cơn bão mạnh, lũ lụt và mực nước biển ngày càng dâng cao, mà lớp vỏ trái đất dưới chân chúng ta có nhiều khả năng cũng muốn tham gia.
Nhìn lại các giai đoạn khác trong lịch sử hành tinh khi mà khí hậu biến đổi một cách hoang dại, rõ nhất là trong thời kỳ băng hà trước, có vẻ như không phải chỉ có thời tiết bị ảnh hưởng. Đất rắn cũng trở nên bồn chồn không yên, với sự gia tăng hoạt động núi lửa, động đất, sạt lở đất khổng lồ dưới lòng biển và sóng thần. Với tốc độ biến đổi khí hậu đang gia tăng hiện nay, có nhiều triển vọng chúng ta sẽ thấy phản ứng tương tự từ hành tinh của chúng ta, báo trước một tương lai không chỉ ấm hơn mà còn bốc lửa nữa.
Nhiều lần trong quá khứ vài triệu năm trở lại đây, băng di chuyển từ hai cực về phía xích đạo, che phủ phần lớn các lục địa của thế giới dưới lớp băng dày hơn một km, và hút nước lên từ đại dương trong quá trình đó. Kết quả là, khi băng giá chiếm ưu thế nhất, mực nước biển toàn cầu thấp hơn hiện nay đến 130 m; đủ để làm lộ ra dẻo đất giữa Anh và lục địa, giữa Alaska và Nga.
Mỗi khi băng rút lui, mực nước biển lại dâng vọt lên, đôi khi với tốc độ vài mét một thế kỷ. Vào giữa thập kỷ 1990, khi tham gia vào một nghiên cứu tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, chúng tôi phát hiện ra rằng ở khu vực Địa Trung Hải, có mối tương quan chặt chẽ giữa tốc độ nước biển dâng lên hay hạ xuống trong thời kỳ băng hà trước và mức độ hoạt động núi lửa ở Ý và Hy Lạp.
Cái này đáng chú ý đây. Làm thế nào sự nóng lên toàn cầu gây ra phun trào núi lửa?
Câu trả lời nằm trong khối lượng khổng lồ của nước đổ vào lòng chảo đại dương từ lớp băng đang rút lui. Lớp nước sâu hơn 100 mét đặt thêm lên thềm lục địa và các quần đảo biển, nơi có hơn 60% số núi lửa đang hoạt động trên thế giới, có khối lượng đủ lớn để uốn cong lớp vỏ trái đất ở dưới.
Sự uốn cong này sẽ bóp trào ra bất cứ lượng dung nham nào nằm xung quanh khu vực đó đang chờ lý do để trào lên. Nếu một ngọn núi lửa đã sẵn sàng chuẩn bị phun trào, chỉ cần mức gia tăng mực nước biển nhỏ hơn nhiều cũng đủ để gây phun trào.
…
Khi mực nước biển dâng cao, có nhiều khả năng có phản ứng từ các núi lửa trên thế giới hơn, và có lẽ không phải chỉ có từ các núi lửa. Tăng tải trọng cho thềm lục địa có thể kích hoạt các phay làm gia tăng số lượng những trận động đất, từ đó có thể dẫn đến những vụ sạt lở đất khổng lồ dưới lòng đại dương. Người ta tin rằng kịch bản đó có thể giải thích cho sự kiện Đất trượt Storegga khổng lồ xảy ra ngoài bờ biển Na Uy khoảng 8.000 năm trước, tạo ra con sóng thần cao 20 mét tại nhiều điểm trên Quần đảo Shetland và bờ đông Scotland. Nếu Greenland được giải thoát khỏi cái mai băng giá của nó, lớp vỏ trái đất phía dưới sẽ bắt đầu dâng trở lại, gây ra những vụ động đất có thể rũ ra các đống trầm tích băng hà khổng lồ tích tụ xung quanh viền hòn đảo và gây ra sóng thần trên Bắc Đại Tây Dương.
…
Có lẽ Trái Đất đang cố nói với chúng ta điều gì đó. Nó thực sự đáng được chú ý lắng nghe trước khi quá muộn.
Bạn có thể đọc phần còn lại của bài báo bằng tiếng Anh qua đường dẫn ở trên. Nó vẽ ra rất rõ ràng viễn cảnh ngày tận thế - trừ phi chúng ta hành động ngay bây giờ! Tất cả những thứ đó nghe có vẻ khá là đáng sợ so với những vấn đề lúc trước chúng ta được biết gây ra bởi các nhà máy nhiệt điện chạy than và rắm bò.
Nhưng đừng lo! Thảm họa vẫn có thể tránh được:
Trận lụt vĩ đại gây ra “Đợt Lạnh Lớn” thời cổ đại, nghiên cứu nói
Dòng nước ngọt khổng lồ chảy vào Bắc Đại Tây Dương đã làm chậm lại một dòng hải lưu sâu và gây ra đợt giá lạnh dài một thế kỷ tại Châu Âu và Bắc Mỹ khoảng 8.200 năm trước, theo một nghiên cứu mới.
Phát hiện này xác nhận kịch bản đề xuất bởi một số mô hình trước đó về khí hậu thời cổ đại và giúp nâng tính tin cậy của những phán đoán về việc đại dương sẽ phản ứng với băng hà tan chảy ở Greenland ra sao, một chuyên gia nói.
…
Các nhà nghiên cứu đã xác định một khu vực của lõi trầm tích tương ứng với khoảng thời gian dài 100 năm vào khoảng 8.200 năm trước. Cấu trúc hóa chất của trầm tích trong khu vực đó không giống bất cứ thời điểm nào khác trong 10.000 năm trở lại đây, Kleiven nói.
…
Những phát hiện mới này cho thấy rằng sự thay đổi của các dòng hải lưu và sự lạnh đi của bề mặt đại dương xảy ra trong khoảng thời gian nhiều nhất là vài thập kỷ, Kleiven lưu ý.
“Những thay đổi chúng ta thấy ở vùng sâu của đại dương này xảy ra trong khoảng thời gian đủ nhanh khiến chúng có thể ảnh hưởng đến xã hội loài người,” bà nói.
Trong khi không có nguồn nước ngọt tầm cỡ hồ Agassiz nào tồn tại ngày nay, sự tan chảy nhanh chóng của lớp băng ở Greenland có thể làm chậm dòng hải lưu nước sâu và ảnh hưởng đến mô hình thời tiết toàn cầu.
Sự chậm lại của dòng hải lưu có thể đẩy phần lớn Châu Âu và Bắc Mỹ vào một thời kỳ băng hà mini và làm suy yếu lượng mưa gió mùa ở Châu Phi và Châu Á.
“Đó là lượng mưa mà hàng tỷ người dựa vào để có nước cho cây trồng,” Alley nói.
…
Để nghiên cứu khả năng của những thảm họa gây ra bởi nước ngọt đổ xuống biển trong tương lai, các nhà khoa học xây dựng một mô hình máy tính dựa trên hiểu biết của họ về các sự kiện xảy ra trong quá khứ như là sự kiện lạnh đi 8.200 năm về trước.
“Những phát hiện mới về lõi trầm tích,” Alley lưu ý, “cho thấy các mô hình khí hậu này là chính xác.”
“Và điều này,” ông nói thêm, “là tin tốt.” Khi các nhà khoa học nhập số liệu về mức tan chảy băng ở Greenland vào những mô hình này, chúng cho thấy thảm họa có nhiều khả năng sẽ tránh được.
Và dĩ nhiên tất cả những gì bạn phải làm là cắt giảm khí thải. Các nhà lãnh đạo sẽ quyết định cái gì là tốt nhất cho chúng ta.
Bây giờ tôi muốn quay lại bài viết về thảm họa trong quá khứ trong đó có nhắc đến sự kiện Đất trượt Storegga xảy ra khoảng 8.000 năm trước. So sánh nó với sự kiện lạnh đi 8.200 năm trước ở trên và ta thấy ngay chúng trỏ đến cùng một khoảng thời gian. Vậy có phải sự kiện thoát nước của Hồ Agassiz gây ra sự kiện trượt đất khổng lồ trong lòng đại dương ngoài khơi Na Uy không? Có thể. Nhưng nó đáng tin đến mức nào? Từ Wikipedia:
Ba sự kiện Đất trượt Storegga nằm trong những vụ đất trượt lớn nhất được ghi lại trong lịch sử. Chúng xảy ra dưới nước, ở rìa thềm lục địa Na Uy (Storegga là tiếng Na Uy cho “Rìa Lớn”), tại Biển Na Uy, 100 km về phía tây bắc bờ biển Møre. Một vùng đất diện tích bằng Iceland bị trượt, gây ra cơn sóng thần rất lớn ở Bắc Đại Tây Dương. Đó là một dải đất thềm lục địa dài 290 km, với tổng thể tích 3.500 km3. Dựa trên xác định tuổi bằng đồng vị carbon các vật liệu thực vật trong khối trầm tích mang đến bởi cơn sóng thần, sự kiện mới nhất xảy ra vào khoảng năm 6.100 trước Công nguyên.
Điều này dẫn tôi đến câu chuyện Thầy bói xem voi.
Một phiên bản Jain của câu chuyện kể rằng sáu người mù được đề nghị xác định con voi trông thế nào bằng cách sờ các bộ phận khác nhau trên cơ thể con voi.
Người mù sờ chân nói rằng con voi giống như cái cột nhà; người sờ đuôi nói rằng con voi giống như sợi dây thừng; người sờ vòi nói rằng con voi giống như con rắn cuộn tròn lại; người sờ tai nói rằng con voi giống như cái quạt; người sờ bụng nói rằng con voi giống như bức tường; người sờ ngà nói rằng con voi giống như cái ống cứng.
Một nhà thông thái giải thích với họ:
Tất cả các bạn đều đúng cả. Lý do các bạn nói khác nhau là vì mỗi người trong các bạn sờ một phần khác nhau của con voi. Vì vậy, thực ra con voi có tất cả các đặc điểm mà các bạn đã đề cập.
Liệu có nhà thông thái nào ở đây không? Quay lại bài viết của Engdahl, có phải Bill Gates, Rockefeller và các đại gia doanh nghiệp biến đổi gen biết điều gì đó mà chúng ta không biết không? Giả sử là như vậy. Nếu họ biết điều gì đó sắp xảy ra kinh khủng đến mức họ cần bảo tồn một ngân hàng hạt giống, tại sao họ không nói với toàn thể nhân loại? Có lẽ, chỉ có lẽ là vì trong đầu họ không nghĩ đến lợi ích của chúng ta:
“Sự tồn tại của thiên thạch đi qua gần Trái Đất mới chỉ được công nhận hoàn toàn bởi nhân loại trong khoảng 20 năm trở lại đây. Trước đó, ý tưởng rằng có những vật thể lớn nhưng không quan sát được ở khoảng cách đủ gần để gây mối nguy hiểm tiềm tàng đối với Trái Đất nhận được sự chế nhạo tương tự như sự chế nhạo dành cho trường ête tưởng tượng vậy. Tất nhiên nhiệm vụ chủ yếu của các nhà khoa học là thiết lập những nguyên tắc chung (ví dụ như thuyết tương đối), và ý niệm rằng Trái Đất tồn tại trong một môi trường yên ổn, đồng nhất đã được thiết lập từ lâu. Kết quả là những nhà khoa học thực sự để ý đến các vật thể đủ gần để va chạm với Trái Đất phải đối mặt với bầu không khí khinh bỉ không dấu giếm. Ngay cả đến giờ, những người bình thường cũng khó mà hình dung được Khoa học Chính thống gần đây đã bị một cú đánh ghê gớm đến mức nào và nó vẫn còn đang cố gắng gượng đứng lên từ cú đánh đó. [Chú thích: câu này ám chỉ sự kiện sao chổi Shoemaker–Levy 9 lao vào Sao Mộc năm 1994]
Đối mặt nhiều lần trong quá khứ với viễn cảnh rằng ngày tận thế đang đến, giai cấp thống trị thường phải tìm cách ngăn chặn sự hoảng loạn của quần chúng. Tuy nhiên, họ bao giờ cũng khám phá ra quá muộn rằng những biện pháp kiểm soát dân chúng thông thường thường thất bại. Do đó, hệ thống khoa học chính thống hiện đại phải che dấu mối đe dọa ấy; hệ thống truyền thông chính thống hiện đại phải chế nhạo và gạt bỏ mọi đề cập đến thảm họa; và hệ thống tôn giáo hiện đại phải chống lại thuyết tiền định và giữ vững hết mức niềm tin vào một đấng tối cao nhân từ.”
Bức thư viết bởi tiến sĩ S V M Clube đề ngày 4 tháng 6 năm 1996, gửi từ văn phòng của tiến sĩ P. A. Charles, cựu trưởng khoa Vật lý Thiên văn trường Đại học Oxford, tới bà Victoria Cox, khi đó là người phụ trách về vật lý và là điều phối viên BMD (phòng chống tên lửa đạn đạo) của Văn phòng Châu Âu về Nghiên cứu và Phát triển Hàng không Vũ trụ.
Bây giờ, nếu giai cấp thống trị muốn chuẩn bị cho một thảm họa toàn cầu và đồng thời ngăn công chúng khỏi hoảng loạn, bạn nghĩ họ sẽ thực hiện việc đó thế nào? Họ sẽ không giữ mọi thứ bí mật vì bí mật có thói quen khó chịu là rò rỉ ra ngoài và tạo ra những phỏng đoán 'nguy hiểm' (nghĩa là 'thực tế'). Họ có lẽ sẽ chọn cách tuyên bố ngay từ đầu những gì họ đang làm đồng thời che giấu hay bóp méo lý do họ làm việc đó. Ví dụ, họ sẽ lan truyền thông tin sai lạc bằng cách quảng bá rộng rãi những phỏng đoán 'điên rồ' (nghĩa là 'không thực tế'). Họ cũng sẽ muốn đảm bảo rằng công chúng tin tưởng họ đang làm điều gì đó để ngăn chặn thảm họa, thông qua đó kiểm soát sự hoảng loạn và thậm chí còn hưởng lợi từ sự đồng tình của công chúng đối với khả năng lãnh đạo vượt trội của họ trong việc đảm bảo tương lai cho chúng ta. Trong suốt thời gian đó, họ vẫn sẽ chuẩn bị cho một thảm họa hoàn toàn khác hẳn, thảm họa mà hầu hết nhân loại sẽ bị hủy diệt, nhưng giai cấp thống trị cùng ngân hàng hạt giống và các căn cứ ngầm dưới đất của họ sẽ không bị hề hấn gì. Khó tin? Cũng có thể. Nhưng hai ngàn tỷ đôla thất lạc của Lầu Năm Góc biến đi đâu? Và hàng tỷ đôla hàng năm biến vào ngân sách đen nữa?
Nhưng trở lại 8.200 năm trước đây. Điều gì thực sự xảy ra khiến khí hậu biến đổi, những ngọn sóng thần khổng lồ tràn qua lục địa và gây ra sự kiện Đất trượt Storegga?
Nếu sóng thần gây ra bởi yếu tố từ vũ trụ hiếm đến như vậy, thì có một nghịch lý tồn tại bởi vì bằng chứng của những sự kiện ấy xuất hiện thường xuyên trong ghi chép địa chất và trong các truyền thuyết của loài người. Thông thường, những khó khăn trong việc phân biệt giữa thực tế và hư cấu, giữa tiếng vọng của quá khứ thực sự và trí tưởng tượng, đã làm nhụt chí các nhà sử học và khoa học khỏi việc suy luận về các sự kiện thảm khốc thông qua truyền thuyết. Thế nhưng, những chủ đề chung xuất hiện trong nhiều câu chuyện cổ xưa. Những câu chuyện kể lại bởi người da đỏ Washo ở California và người thổ dân ở Nam Úc mô tả các vì sao rơi xuống, lửa từ trên trời và những trận đại hồng thủy không giống bất cứ sự kiện nào thời hiện đại. Những mô tả tương tự xuất hiện trong truyền thuyết Gilgamesh từ vùng Trung Đông, trong các truyền thuyết của Peru, trong sách Khải Huyền của thánh John và câu chuyện đại hồng thủy Noah trong Kinh Thánh. Victor Clube thuộc trường Đại học Oxford và William Napier thuộc Đài Quan sát Hoàng gia Edinburgh đã lắp ghép những mẩu tường thuật từ các truyền thuyết cổ đại mà họ giải thích là đại diện cho các đợt mưa thiên thạch 3.000 – 6.000 năm trước.
Một trong những tường thuật đáng sợ đó đã được thu thập từ các truyền thuyết bởi Edith và Alexander Tollmann thuộc trường Đại học Vienna. Họ tin rằng một sao chổi xoay quanh mặt trời đã bị vỡ thành bảy mảnh lớn rơi xuống các đại dương của trái đất 8.200 ± 200 năm trước. Khoảng thời gian này được tính dựa trên tuổi đồng vị carbon từ Việt Nam, Úc và Châu Âu. Những va chạm đó tạo ra các quả cầu lửa trong khí quyển và ảnh hưởng đến xã hội trên toàn thế giới. Tiếp đó là một mùa đông nguyên tử đặc trưng bởi sự lạnh đi toàn cầu. Quan trọng hơn nữa, những cơn sóng thần khổng lồ quét qua các vùng đồng bằng ven biển và, nếu chúng ta tin vào truyền thuyết, tràn đến tận trung tâm các châu lục. Hiện tượng này, nếu có thật, có nhiều khả năng liên quan đến nước bắn tóe ra từ các va chạm thiên thạch hơn là do sóng thần thông thường. Lũ lụt kinh khủng xảy ra trên khắp các lục địa.
Tình huống này có thể có sự thật trong đó. Hình vẽ dưới đây cho thấy vị trí của bảy va chạm suy ra từ truyền thuyết và bằng chứng địa chất. Hai trong số đó, tại Biển Tasman và Biển Bắc, đã được xác định là có những cơn sóng thần khổng lồ cùng khoảng thời gian này. Trung tâm va chạm ở Biển Bắc trùng hợp với vị trí của sự kiện Đất trượt Storegga mô tả ở trên. Tại đây, đợt sóng thần chính xảy ra 7.950 ±190 năm trước. Một trong những số liệu thời gian tốt được xác định từ gỗ nằm trên đống thủy tinh tự nhiên tạo thành từ cát nóng chảy tại một đụn cát dọc bờ biển phía Nam bang Victoria, Úc.
Những mảnh thủy tinh tự nhiên từ cát nóng chảy gắn với vụ va chạm ở Biển Tasman được xác định là hình thành 8.200 ±250 năm trước. Những số liệu về thời gian này đặt sự kiện va chạm của Sao chổi Đại Hồng thủy - một từ dùng bởi hai vợ chồng nhà nghiên cứu Tollmann - vào khoảng năm 6.200 trước Công nguyên.
Sự kiện này không đứng một mình trong thế Holocene. Nó đã được lặp lại trong thời gian gần đây - một thực tế hỗ trợ bởi truyền thuyết của người Maori và thổ dân từ New Zealand và Úc.
--Edward A. Byrant, trích từ “Những Bằng chứng Gần đây từ Thần thoại và Truyền thuyết”, một đánh giá về sự kiện va chạm của Sao chổi Đại Hồng thủy 8,200 ± 200 năm trước ("More Recent Evidence from Legends and Myths", a review of Deluge Comet Impact Event 8,200 ± 200 years ago) (Kristan-Tollmann và Tollmann, 1992)
Các nhà khoa học này không phải là những người duy nhất gợi ý về những thảm họa như vậy.
Họ được gọi là những người theo học thuyết thảm họa. Họ là một nhóm nhà khoa học người Anh đã đặt dấu hỏi về nhiều khía cạnh trong lý thuyết tiến hóa của Darwin, và tranh luận rằng sự sống cũng như địa chất trên Trái Đất được định hình một cách thường xuyên bởi các va chạm của thiên thạch và những cú sốc từ bên ngoài khác.
…
Một người theo học thuyết thảm họa hàng đầu là Mike Baillie, một chuyên gia về biến đổi khí hậu thời cổ đại tại trường Đại học Nữ hoàng, Belfast. Baillie bắt đầu từ những bằng chứng khoa học cơ sở như đo đạc các vòng tuổi cây và xem xét các mẫu lõi băng, rồi sau đó đào sâu vào thần thoại để xem các truyền thuyết có rọi thêm ánh sáng lên những sự kiện khí hậu phi thường, hay có thể nói là thảm khốc, tiết lộ bởi các bằng chứng từ đo đạc này hay không. Trong cuốn sách Di cư đến Arthur (Exodus to Arthur), Baillie đặt câu hỏi liệu sự xuất hiện đồng thời của các truyền thuyết về con rồng ở Trung Quốc và các thiên thần trong thần thoại phương Tây có phải là phản ứng thông thường đối với sự xuất hiện của một sao chổi không.
Baillie chỉ ra rằng những tường thuật từ thời diễn ra Cái Chết Đen, sự kiện giết chết 1/3 dân số châu Âu trong thế kỷ 14, có đề cập đến hạn hán, lũ lụt, cá chết với số lượng lớn, động đất, lửa từ trên trời, khói hôi thối, mưa đá khổng lồ và những cơn gió nóng bỏng. Ông nói tất cả đều là những mô tả khả dĩ về va chạm hay tiếp xúc gần với thiên thạch hoặc sao chổi.
Một ghi chép nói về ngôi sao lớn sáng rực trên bầu trời Paris, và một ghi chép khác nói rằng bầu trời trông có màu vàng và không khí có màu đỏ vì không khí bị cháy. Baillie nói thêm rằng nghiên cứu vòng tuổi cây tiết lộ bằng chứng về rối loạn khí hậu rất lớn cùng thời điểm đó.
Gần đây tạp chí khoa học Tự nhiên (Nature) đăng một bài viết về ngà voi ma-mút:
Những mảnh vụn như viên đạn từ thứ được cho là một trận mưa sao băng cổ đại được tìm thấy gắn sâu trong ngà voi ma-mút và xương bò rừng nguyên thủy.
Việc khám phá ra những cái lỗ 2 – 5 mm gây ra bởi mảnh thiên thạch mang đến một cái nhìn về sự kiện va chạm được cho là xảy ra tại Alaska và Nga vài chục ngàn năm trước. Và nó có thể cung cấp một cách hoàn toàn mới để lập hồ sơ về các va chạm từ vũ trụ.
Những mảnh vụn này, tìm thấy trong bảy cái ngà voi ma-mút và xương sọ cũng như sừng của một con bò rừng Siberia, khớp với thành phần hóa chất của các thiên thạch thép. “Chúng tôi nghĩ rằng những mảnh thiên thạch nhỏ này đến từ một vụ nổ trên không của một thiên thạch vào khoảng 30.000 đến 34.000 năm trước,” Richard Firestone, nhà hóa học tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley tại California và cũng là đồng tác giả của nghiên cứu này nói. “Chúng tôi nghĩ rằng một trận mưa thiên thạch bao trùm cả khu vực này.”
Và còn có Nhóm Nghiên cứu về Va chạm Thế Holocene:
Hầu hết các nhà thiên văn học không tin rằng có sao chổi hay thiên thạch lớn nào rơi xuống Trái Đất trong 10.000 năm trở lại đây. Nhưng một nhóm những người tự nhận là “trái chiều” lập thành Nhóm Nghiên cứu về Va chạm Thế Holocene mới được hai năm nay nói rằng các nhà thiên văn học đơn giản là không biết phải tìm kiếm bằng chứng ở đâu.
Các nhà khoa học trong nhóm nói rằng bằng chứng của những va chạm như vậy trong 10.000 năm qua, thời kỳ được gọi là kỷ nguyên Holocene, đủ thuyết phục để lật đổ những ước tính hiện tại về tần số Trái Đất phải chịu các va chạm mạnh tương đương với vụ nổ 10 megaton. Thay vì một lần trong 500.000 đến 1 triệu năm, như các nhà thiên văn học hiện nay tính toán, những va chạm thảm khốc như vậy có thể lặp lại chỉ trong vài ngàn năm.
Tại điểm cực nam của Madagascar có bốn mỏ trầm tích khổng lồ hình chữ V, tạo thành bởi các chất liệu từ đáy đại dương. Mỗi mỏ rộng hơn 100 km2 với lớp trầm tích sâu hàng trăm mét.
Khi xem xét kỹ, các mỏ trầm tích chữ V chứa những hóa thạch rất nhỏ trộn lẫn với một hỗn hợp kim loại thường được hình thành trong các vụ va chạm vũ trụ. Và tất cả chúng đều trỏ cùng một hướng - tới vùng giữa Ấn Độ Dương nơi có một hố sâu mới được phát hiện rộng 29 km và nằm 3.800 m dưới mặt nước biển.
Lời giải thích cho hiện tượng đó là hiển nhiên đối với một số nhà khoa học. Một sao chổi hay thiên thạch lớn, loại có thể giết chết ¼ dân số thế giới giáng xuống Ấn Độ Dương 4.800 năm trước, tạo ra một cơn sóng thần cao ít nhất 183 mét, gấp 13 lần cơn sóng thần nhấn chìm Indonesia hai năm trước. Cơn sóng đó mang một lượng lớn trầm tích từ lòng biển đổ vào bờ.
Lưu ý các khoảng thời gian: 30.000 đến 34.000 năm trước. Rồi chúng ta có 8.200 năm trước. Có liên hệ nào ở đây không? Có, cả ba con số, 30.000, 34.000, 8.200 và thậm chí cả 4.800 đều khớp với một chu kỳ xấp xỉ 4.200 năm (với sai số cho phép) tính từ hiện tại.
Vậy, có phải Bill Gates, Rockefeller và các đại gia doanh nghiệp biến đổi gen biết điều gì đó mà chúng ta không biết không? Tất cả các bằng chứng, cùng với phân tích tâm lý các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp, đều trỏ đến câu trả lời là có. Vì vậy, câu hỏi khó mà chúng ta đang đối mặt với không phải là “Khi nào thì chúng ta sẽ làm gì đó với sự biến đổi khí hậu?” mà là “Khi nào thì chúng ta sẽ thức tỉnh và nhận ra sự thật rằng các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp chưa bao giờ hành động vì lợi ích của chúng ta, và việc tin tưởng vào họ trong vấn đề 'biến đổi khí hậu' không chỉ đe dọa đến tương lai của chúng ta là còn đe dọa vô số thế hệ mai sau?”
Xem thêm:
- Lửa và nước: Ngày không xa
- Tiết lộ mới về Cái Chết Đen: Mối liên quan vũ trụ
- Loạt video về Biến đổi Trái Đất: tháng 8, tháng 9, tháng 10, tháng 11.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.