Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Hiroshima và Nagasaki: Hồi ức kinh hoàng của các nạn nhân

Tác giả: Kim Ngân
Nguồn: Zing.vn

Tháng 8/1945, Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), biến hai thành phố công nghiệp này trở thành nghĩa địa khổng lồ. Hồi ức về thời khắc kinh hoàng của những nhân chứng sống trong vụ thả bom ngày hôm đó sẽ không bao giờ phai theo năm tháng.

Hiroshima ngày 6/8/1945

Đó là một buổi sáng đầu tháng 8, mặt trời dần ló rạng trên bầu trời trong xanh, hứa hẹn một ngày ấm áp và dễ chịu. Những tia nắng dịu dàng chiếu xuống thành phố Hiroshima.

Bác sĩ Michihiko Hachiya, một nhân chứng sống cách tâm của vụ nổ khoảng 1 km, cho biết, ông trở về nhà sau một đêm trực trong bệnh viện và vô cùng mệt mỏi. Hayachi vào phòng khách để nằm nghỉ.

"Bỗng nhiên, một ánh sáng lóe lên khiến tôi giật mình. Chiếc đèn đá trong vườn bỗng sáng rực rỡ. Tôi tự hỏi, không biết ánh sáng này từ đâu. Đầu óc tôi trở nên mơ hồ. Quang cảnh tươi đẹp trước đấy đã biến mất và nhường chỗ cho bụi bặm và những đống đổ nát", Hachiya viết.

Người đàn ông này cho hay ông bị thương nặng và quần áo trên người cháy sạch nhưng vẫn cố gắng thoát khỏi đống đổ nát và chạy đi tìm người thân.

Một nhân chứng khác là ông Yoshitaka Kawamoto. Khi vụ nổ xảy ra, ông chỉ là một cậu bé 13 tuổi và đang ngồi trong lớp. "Tôi bị mắc kẹt dưới đống đổ nát, không thể di chuyển và cảm thấy đau khủng khiếp. Sau đó, những người còn sống trong lớp tôi bắt đầu hát vang bài hát truyền thống của trường. Chúng tôi nghĩ, ai đó bên ngoài sẽ nghe thấy và đến giúp. Nhưng không một ai xuất hiện. Tiếng hát nhỏ dần. Cuối cùng, chỉ còn lại mình tôi hát", Kawamoto nói.

Bà Akiko Takakura, 89 tuổi, là một trong số ít những người ở cách tâm của vụ nổ 300 m còn sống. "Hầu hết những ngôi nhà trong thành phố đều nát vụn dưới sức ép của quả bom. Tất cả những người ở ngoài trời khi đó đã chết ngay lập tức. Nhiều cái xác bốc cháy và biến dạng. Những người mắc kẹt dưới đống đổ nát rên rỉ cầu xin sự giúp đỡ. Những người thoát nạn nháo nhác chạy quanh. Tiếng rên rỉ, tiếng khóc, tiếng la ó,... vang lên ở khắp nơi. Cả thành phố ngập trong biển lửa", bà Takakura nói. Bà lão 89 tuổi cho hay, bà bị ám ảnh và sợ bất cứ thứ gì liên quan đến lửa kể từ khoảnh khắc đó.

Nagasaki ngày 9/8/1945

3 ngày sau, Mỹ tiếp tục ném quả bom nguyên tử thứ hai mang tên "Fat man" xuống Nagasaki, một thành phố cảng của Nhật Bản và phá hủy hơn 40% cơ sở hạ tầng tại khu vực này. Các bệnh viện không đủ chỗ để chăm sóc cho những người bị thương.

Michie Hattori, khi đó là một nữ sinh 15 tuổi, cho biết cô và bạn bè trong lớp đã chạy tới hầm trú ẩn khi tiếng báo động vang lên. "Khi quả bom phát nổ, tất cả những màu sắc quanh tôi đột nhiên trở thành một màu trắng rực rỡ. Một cơn gió mạnh đã đánh bật người tôi vào sâu trong hang. Tiếng gào khóc, la hét vang lên. Tôi lờ mờ nhìn thấy những bộ đồng phục học sinh đang bốc cháy", Hattori chia sẻ.

Một nhân chứng khác là Fumiko, cho hay, sau vụ nổ bà cùng một số người bạn quyết định quay trở lại trường học. "Trên đường, tôi thấy một sinh vật đen thui đang bò rất chậm. Tôi đã nghĩ, nó là một chú cá sấu vừa xổng khỏi vườn thú", Fumiko nói. Bà lão 84 tuổi cho biết, bà vô cùng sợ hãi khi nhận ra sinh vật kia là một nạn nhân.

Nạn nhân bom nguyên tử Sumiteru Taniguchi cho xem vết sẹo bỏng trên
lưng cùng bức ảnh của chính ông chụp nửa năm sau vụ ném bom ở Nagasaki

Fujie Urata Matsumoto kể rằng vụ nổ đã thổi bay cánh đồng bí ngô trước cửa nhà ông. Không thứ gì còn sót lại trên cánh đồng ngoại trừ một cái đầu của một phụ nữ tầm 40 tuổi. "Cảnh tượng xung quanh tôi không khác gì địa ngục", Matsumoto nói.

Sau khi trở thành nước đầu tiên trên thế giới bị ném bom nguyên tử, Nhật Bản chấp nhận đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện. "Nỗi đau này quá lớn", Nhật hoàng Hirohito nói.

Xem thêm:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.