Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Trưng cầu dân ý ở Hy Lạp: Trận chiến giữa người dân và chủ nghĩa tư bản tàn bạo

Biểu tình ở Hy Lạp
Người biểu tình ở Hy Lạp với dòng khẩu hiệu:
"Chính sách thắt lưng buộc bụng = Chủ nghĩa quốc xã"

Tác giả: Aditya Chakrabortty
Nguồn: The Guardian
Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại

Vào chủ nhật này, người dân Hy Lạp có thể vùng lên chống lại hệ thống kinh tế phá sản của khu vực đồng euro, thứ đang siết cổ họ từ từ. Cuộc chiến của họ cũng là của chúng ta.

Các chính trị gia hàng đầu châu Âu đều đồng ý rằng người Hy Lạp sẽ bỏ phiếu vào chủ nhật này về một trong những câu hỏi quan trọng nhất đối với bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, họ không thể thống nhất được câu hỏi ấy thực sự là gì. Đối với Alexis Tsipras, vị thủ tướng Hy Lạp, nó là về việc liệu người dân của ông có tiếp tục chịu đựng thêm “chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc và nhục nhã” nào nữa không. Không phải vậy, Angela Merkel của Đức nói. Bà cho rằng người Hy Lạp chọn giữa ở lại với đồng euro và trở về với đồng drachma. Tầm quan trọng còn được nâng lên cao hơn nữa bởi ông chủ của Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker: vào cuối tuần này, “toàn bộ hành tinh” sẽ xem liệu Hy Lạp có muốn ở lại trong châu Âu hay không.

Tất cả những đánh giá đó đều có thể đúng, nhưng chúng không nhắm đúng được tầm quan trọng trung tâm của sự kiện này. Lý do để quan tâm đến Hy Lạp trong tuần này là bởi vì 11 triệu người của đất nước này sẽ tham gia vào một cuộc đấu mà chúng ta một ngày nào đó cũng có thể đến lượt tham gia: một cuộc chiến giữa dân chủ và một hệ thống kinh tế, chính trị hư hỏng.

Trận chiến đó - giữa những gì người dân muốn và những gì những kẻ cai trị họ muốn nhồi xuống cổ họng họ, trên danh nghĩa là vì lợi ích của họ - có thể thấy thoáng hiện tại mỗi thời khắc ấn tượng trong lịch sử gần đây của Hy Lạp.

Nó ở đó vào mùa xuân năm 2010, khi mà vị thủ tướng Hy Lạp khi đó, George Papandreou, cầu xin Merkel đừng nghiền nát đất nước của ông với chính sách thắt lưng buộc bụng và bà ta lạnh lùng trả lời: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng sẽ không ai muốn điều này nữa.” Nó diễn ra một cách rõ ràng vào mùa hè năm 2011 khi những người dân thường Hy Lạp đổ ra đường tại các thành phố đòi thay thế tầng lớp chính trị cầm quyền dễ bị mua chuộc của họ và những kẻ đầu sỏ tài chính ở châu Âu đang điều khiển phía sau.

Nó khiến chúng ta không thể bỏ qua được từ tháng giêng năm nay khi liên minh cánh tả Syriza được bầu lên nắm quyền với một nhiệm vụ rõ ràng là xóa bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng tàn bạo, vô hiệu quả đã đẩy cả đất nước vào suy thoái kinh tế.

Điều xảy ra tuần trước là Tsipras bị dồn chặt vào chân tường bởi các chủ nợ từ Bộ Ba, Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và IMF, và ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kêu gọi đến ý chí dân chủ của các cử tri của ông.

Kinh tế và tài chính chỉ là những cái cớ trong cuộc tranh chấp này. Nó thực sự là cuộc tranh chấp giữa người dân và một phiên bản tàn bạo, vô hiệu quả của chủ nghĩa tư bản. Đó là chủ đề thực tế của cuộc bầu cử, bất kể những tuyên bố mới nhất từ các cuộc họp ở Brussels và những phát triển mới nhất ở Athens có thế nào. Việc đóng cửa các ngân hàng đúng là gây ấn tượng. Nhưng nguyên tắc vàng của chính sách kiểm soát vốn là nó gây thiệt hại chủ yếu cho những người hầu như không có chút vốn nào.

Những người dân Hy Lạp mà bạn nhìn thấy trên TV bước đi mệt mỏi giữa các máy rút tiền trống rỗng là những người nghỉ hưu, người lao động, giáo viên. Những kẻ lắm tiền đã rút sạch tiền của chúng khỏi các ngân hàng Hy Lạp từ lâu rồi. Ngay từ mùa hè năm 2011, các nhà kinh tế đã lo lắng về hiện tượng “đột biến rút tiền gửi thầm lặng”. Nhân viên cao cấp của một ngân hàng đầu tư khi đó nói với tôi về một người quen đã rút 30.000 euro, bọc trong một cái túi và cất giấu trong gara. “Cái túi trước đó có một chút thức ăn bên trong,” ông ta nói. “Vì vậy, nó thu hút lũ chuột và bọn chuột ăn những cuộn tiền.”

Câu chuyện này nhắc bạn rằng sự đổ vỡ của Hy Lạp không phải chỉ là gần đây. Từ năm 2010, Bộ Ba đã rêu rao câu chuyện tưởng tượng rằng cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh suy thoái kinh tế lịch sử, và “cải cách cơ cấu” - hay đúng hơn là việc băm nhỏ quyền lợi người lao động, bán tống bán tháo tài sản công và phá hủy nhà nước phúc lợi - bằng cách nào đó sẽ vực dậy Hy Lạp. Nửa thập kỷ sau, dự báo đáng ngờ đó bây giờ đã bị chứng minh là sự dối trá: đất nước càng lao xuống dốc hơn trước. Tuy vậy, các chính trị gia vẫn tiếp tục lặp đi lặp lại những lời tuyên truyền cho các thần dân đang sống cuộc sống tồi tệ của họ.

Sự xung khắc ở đây lớn hết mức có thể có: người dân Hy Lạp ở một bên, lý thuyết kinh tế phá sản ở bên kia. Điều trớ trêu là ở chỗ nếu có ai đó có thể hàn gắn những xung khắc này, người đó là Tsipras. Bất chấp tất cả, Syriza vẫn cam kết với đồng tiền chung châu Âu, ở một đất nước mà trước cuộc khủng hoảng là một trong những thành viên nhiệt tình nhất của khối.

Cũng như tại các nước châu Âu khác nơi mà sự đói nghèo ở tầm cỡ quốc gia vẫn được nhắc đến bởi thế hệ ông bà, giới cầm quyền Hy Lạp coi thành viên của đồng tiền chung gần như là tấm huy chương chứng nhận họ là một quốc gia tiên tiến. Khi còn là một học giả, Yanis Varoufakis, bộ trưởng tài chính, đã dành nhiều năm để tìm cách làm cho liên minh tiền tệ châu Âu khả thi.

Cho dù báo chí bắc Âu có ném ra lời lăng mạ gì đi nữa, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Syriza là các tín đồ của đồng euro đã bị vỡ mộng. Tuần trước chính phủ đưa ra một thỏa hiệp cho các chủ nợ. Nó mang tính “thắt lưng buộc bụng” và “suy thoái” - đó là những mô tả từ chính Varoufakis. Tuy nhiên, thỏa hiệp đó vẫn còn chưa đủ khắc khổ đối với các chủ nợ, những kẻ mà báo chí tường thuật là vẫn còn tranh cãi về kế hoạch tăng thuế giới giàu có của Syriza. Đó là giọt nước cuối cùng làm tràn ly.

Những người ít tin tưởng vào đồng euro hơn Tsipras và Varoufakis có thể đã đoán được kết quả này từ đầu. Kể từ khi cuộc khủng hoảng đồng euro bùng nổ vào năm 2010, nhiều mảng lớn của châu lục này đã rơi vào dưới sự cai trị của những tổ chức gần như không có khả năng làm việc với quá trình dân chủ thực sự. Quan trọng nhất là Ngân hàng Trung ương châu Âu - tổ chức không thông qua bầu cử và gần như không phải chịu trách nhiệm với bất cứ ai - và Ủy ban châu Âu của Juncker: tổ chức hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm dù là trực tiếp hay gián tiếp đối với nhân dân Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, Tây Ban Nha, những người đã mất việc làm, lương bổng và trợ cấp do mệnh lệnh của nó.

Những cuộc họp mặt không chính thức của các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro là gần nhất với dân chủ mà hệ thống ấy đạt đến. Như Fritz Scharpf, cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Xã hội Max Planck ở Cologne, nói: “Cái thể chế được thành lập để giải cứu một liên minh tiền tệ được thiết kế tồi tệ và được mở rộng quá mức trên thực tế đang gây nguy hiểm cho… các chính phủ dân chủ ở châu Âu.”

Cơ cấu chính trị này là phương tiện để tước bỏ mức sống hiện thời khỏi người lao động trên khắp lục địa. Vậy nên Juncker, kẻ từng làm thủ tướng Luxembourg, một đất nước mà công việc chính là giúp giới giàu có trên khắp thế giới trốn thuế, đã lên lớp giảng đạo cho Hy Lạp về hệ thống thuế của họ. Rồi ngay sau cuộc bầu cử Syriza, Ngân hàng Trung ương châu Âu tuyên bố sẽ không chấp nhận trái phiếu chính phủ Hy Lạp - một việc tương tự như là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ tuyên bố sẽ không chấp nhận trái phiếu phát hành bởi Washington.

Nhận xét: Đây là mấu chốt của vấn đề. Người Hy Lạp đã “bầu chọn sai lầm”, vậy nên giới tài chính quốc tế cố tình đẩy cuộc khủng hoảng đến mức tồi tệ hơn để trừng phạt người dân thường Hy Lạp và tìm cách “điều chỉnh” lại cuộc bầu cử bằng cách khiến người dân đổ lỗi cho chính phủ mới là đã mang lại đau khổ cho họ, những đau khổ thực chất mang đến bởi những kẻ cầm đầu giới tài chính muốn lật đổ chính phủ Hy Lạp.

Lựa chọn mà người dân Hy Lạp phải quyết định là liệu có tiếp tục để bị bóp nghẹt về mặt chính trị và kinh tế bởi thể chế này hay là rời bỏ đi. Không lựa chọn nào là an toàn cho Hy Lạp cũng như châu Âu. Hai năm trước, một nhà kinh tế hiện đang là thành viên của Syriza nói về việc rời khỏi đồng euro có thể dẫn đến điều gì: binh lính tại các điểm rút tiền, cưỡng chế quốc hữu hóa các ngành công nghiệp. Và ông nói với tôi: “Mọi thứ có thể tồi tệ đi rất nhanh chóng.”

Nhưng đứng trước lựa chọn khó khăn giữa một cái chết chậm chạp và bước xuống vực thẳm, tôi dễ là sẽ chọn cái thứ hai. Và nếu người dân Hy Lạp chọn nó, chúng ta nên ủng hộ họ. Cuộc chiến của họ - giữa người dân và chủ nghĩa tư bản không có tương lai - cũng là của chúng ta.

Nhận xét: Cũng giống như phần lớn các hiệp định tự do thương mại khác, liên minh tiền tệ châu Âu là thứ chỉ mang lại lợi ích cho những nước giàu, đặc biệt là tầng lớp giàu có của những nước giàu đó. Vứt bỏ cái cối đá đó khỏi cổ có thể khiến tình hình kinh tế trầm trọng thêm trong thời gian trước mắt, nhưng về lâu dài, đó là cách duy nhất để mang lại sự phồn vinh ổn định và bền vững cho Hy Lạp. Những gì đang xảy ra ở Hy Lạp là tương tự như những gì đã xảy ra tại các nước châu Mỹ Latinh. Đó cũng là bài học cho Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế.

Xem thêm:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.