Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

Trở thành thành viên khối BRICS là lối thoát cho Hy Lạp sau trưng cầu dân ý?

Tác giả: Thiên Nam
Nguồn: Báo Đất Việt

Dân Hy Lạp quyết không chịu “Thắt lưng buộc bụng”

Ngày 5-7, tại Hy Lạp đã diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về các điều kiện thỏa thuận của nước này với chủ nợ quốc tế. Hoạt động bỏ phiếu để thực hiện “Sáng kiến” do Thủ tướng nước này là ông Alexis Tsipras đề xuất, diễn ra từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối theo giờ địa phương.

Người dân Hy Lạp được đề nghị xác định liệu quốc gia này sẽ chấp nhận hay từ chối điều kiện của các chủ nợ quốc tế, trong thương lượng tìm lối thoát khỏi vỡ nợ, trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ Tsipras và Bộ trưởng Tài chính Yanis Varufakis đã kêu gọi người Hy Lạp nói "Không".

Các quan chức chính phủ nước này cáo buộc các chủ nợ đang "khủng bố" Hy Lạp. Đồng thời cả Thủ tướng Chính phủ Tsipras và Bộ trưởng Tài chính Yanis Varufakis đều khẳng định, họ sẽ từ chức nếu người dân nước này đồng ý chấp thuận các điều kiện của chủ nợ.

Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu cho thấy đa số dân nước này ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Tsipras - thuộc Liên minh các đảng cánh tả Hy Lạp (SYRIZA) theo trường phái “chống khắc khổ” - quyết tâm từ bỏ chính sách “thắt lưng buộc bụng”, không chấp thuận điều kiện do các chủ nợ quốc tế đưa ra.

Theo kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý, chỉ có 38,7% câu trả lời là “Đồng ý”, còn lại hơn 61,3% cử tri Hy Lạp nói "Không" với các gói cứu trợ thắt lưng buộc bụng của châu Âu. Kết quả trên được đưa ra sau khi hơn 95% các điểm bỏ phiếu toàn quốc được kiểm phiếu.

Sau khi biết kết quả cuộc trưng cầu dân ý, hàng chục ngàn người dân Athens đã kéo ra đường và tụ tập tại trung tâm quảng trường Syntagma để ăn mừng chiến thắng, bất chấp viễn cảnh nước này vỡ nợ và phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Theo Bộ Tài chính Hy Lạp tổng số nợ nước này tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2015 là 312,7 tỷ euro. Hiện nay, Athens phải đàm phán với EU và IMF để giải quyết số nợ hình thành sau khi giải cứu ngân sách Hy Lạp trước nguy cơ phá sản năm 2010 và 2012.

Thứ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Costas Isihos tin rằng, nếu nhân dân nước này chấp thuận các điều kiện từ chủ nợ, Hy Lạp sẽ biến thành một “thuộc địa kinh tế của châu Âu”, bởi “những người cho vay hoàn toàn không quan tâm giúp đỡ thực sự con nợ, chỉ muốn tình hình vốn đã tồi tệ sẽ càng thêm trầm trọng”.

Trưng cầu dân ý: “Cú áp-phe vĩ đại” của Hy Lạp?

Trước đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Janis Varufakis đã kêu gọi cử tri nói “không” trong cuộc trưng cầu dân ý và tin tưởng rằng quan điểm kiên quyết như vậy của người Hy Lạp sẽ là một bước tiến tới thỏa thuận mới và công bằng hơn với các chủ nợ.

Trả lời phỏng vấn báo Tây Ban Nha “El Mundo”, ông Janis Varufakis nói: "Cho dù kết quả trưng cầu hôm 5-7 ở Hy Lạp như thế nào đi nữa, thỏa thuận sẽ được ký kết với các chủ nợ."

Ông Varufakis cho rằng châu Âu và Hy Lạp đều cần phải đạt được thỏa thuận về trả nợ và cải cách nền kinh tế Hy Lạp. Nhưng theo ông, thỏa thuận sẽ được quyết định bởi kết quả cuộc bỏ phiếu này, nếu kết quả trưng cầu là “có” thì Hy Lạp sẽ được một thỏa thuận không chỉ tồi tệ, mà thực sự khủng khiếp.

Theo ông bộ trưởng, thỏa thuận do các quan chức châu Âu đề xuất là chưa phù hợp, chưa giải quyết xong về các nguồn tài chính cho nền kinh tế nước này. Nó “không mang lại hi vọng cho các doanh nghiệp đầu tư vào Hy Lạp" và không đặt dấu chấm hết cho sự căng thẳng và bất an trong cả nước.

Giới chức lãnh đạo nước này cho rằng, “những người cho vay” không quan tâm tới tái cơ cấu nợ và thúc đẩy phục hồi kinh tế Hy Lạp mà chỉ muốn “siết cổ” đất nước mình. Còn người dân nước này cho rằng, châu Âu đang muốn đất nước Hy Lạp tan hoang, tước đoạt các tài sản và doanh nghiệp của họ.

Ông Varufakis nhấn mạnh, với kết quả cuộc trưng cầu dân ý được đa số người Hy Lạp ủng hộ, Thủ tướng Alexis Tsipras sẽ có vũ khí để đạt được một thỏa thuận tốt hơn khi đàm phán với các quan chức châu Âu, chứ không phải là nước này đã buộc châu Âu phải “chiều theo ý mình”.

Bộ trưởng Hy Lạp tin tưởng rằng việc đa số cử tri nước này kiên quyết nói "không" với điều kiện của các chủ nợ sẽ cho phép thủ tướng Tsipras đến Brussels với một tư thế khác và ký kết một thỏa thuận với các chủ nợ có lợi hơn cho Hy Lạp và sau đó, tất cả các ngân hàng Hy Lạp sẽ mở cửa trở lại.

Theo ông Varufakis, nếu nền kinh tế Hy Lạp sụp đổ, hàng nghìn tỷ euro sẽ mất. Con số đó tương đương với GDP của Tây Ban Nha. "Đó là lượng tiền quá lớn. Tôi không nghĩ rằng châu Âu sẽ cho phép điều đó xảy ra" - Bộ trưởng tài chính Hy Lạp tuyên bố.

Nếu trở thành nước BRICS thứ 6, Hy Lạp sẽ được cứu?

Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, dù đại đa số người dân nước này từ chối “thỏa hiệp” với EU thì nước này cũng sẽ không ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Quan điểm này do Thủ tướng Italia Matteo Renzi đưa ra khi ông khẳng định rằng “châu Âu và Hy Lạp vẫn phải tiếp tục đàm phán với nhau”.

Ông Renzi lấy dẫn chứng bức ảnh gây chấn động chụp cụ già 77 tuổi Giorgos Chatzifotiadis, ở thành phố lớn thứ 2 của Hy Lạp là Thessaloniki bất lực, khóc ròng trước cửa ngân hàng khi không thể rút được 120euro trợ cấp hưu trí của mình vì ngân hàng hết tiền và đóng cửa.

Vị Thủ tướng Italia nói: “Khi chứng kiến một cụ hưu trí khóc ròng trước cửa một ngân hàng thì chúng ta phải nhận thức được rằng, một quốc gia có vai trò quan trọng đối với không chỉ châu Âu mà cả thế giới và một nền văn hóa như Hy Lạp không thể kết thúc như vậy”.

Ông Renzi còn cho rằng, bất chấp kết quả của cuộc trưng cầu dân ý trên, nước này cũng sẽ không ra khỏi Eurozone và còn có nhiều vấn đề để đàm phán lại. Thủ tướng Italia ủng hộ quá trình tái đàm phán với Hy Lạp ngay sau ngày 5-7 và nhấn mạnh vai trò quan trọng của Đức trong quá trình này.

Ngày 2-7 vừa qua, tờ Global Research của Canada cho rằng, sau cuộc trưng cầu dân ý này, nếu Hy Lạp vẫn không thể đạt được thỏa thuận với châu Âu, nước này cũng không hẳn đã tuyệt vọng, bởi nếu cần sẽ có một “thế lực lớn” giang tay cứu giúp họ. Đó là Nga và BRICS!

Tờ tạp chí của Canada bình luận, trong bối cảnh không thể đàm phán được với “bộ 3 cá mập” bao gồm Ủy ban châu Âu (EU), ngân hàng châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì Khối liên minh 5 nước phát triển là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi “có thể là một lựa chọn tốt đối với Hy Lạp”.

Hồi tháng 5 năm nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Sergei Storchak đã đề xuất với Thủ tướng Hy Lạp xem xét khả năng nước này làm thành viên thứ 6 của BRICS. Thủ tướng Alexis Tsipras đã bày tỏ sự quan tâm, vì đây là một giải pháp cho phép Hy Lạp tiếp cận Ngân hàng Phát triển của khối này.

Tác giả bài viết trên Global Research cho rằng: "Mục đích ra đời của ngân hàng Phát triển BRICS là chấm dứt sự thống trị của phương Tây trong các thị trường tài chính và trở thành một trong những tổ chức tín dụng hàng đầu thế giới. Bởi vậy, hoàn toàn có thể Nga và Trung Quốc sẽ hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp”.

Tờ báo trên còn tiết lộ, ngay cả trong quá trình đàm phán với các chủ nợ châu Âu, Athens vẫn đang tiến hành đàm phán với các thành viên khác của BRICS về triển vọng tham gia tổ chức. Hoạt động sẽ được tiếp tục ở cấp nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh, được tổ chức tại Ufa từ ngày 9 đến 10 tháng 7.

Quan điểm này được sự chia sẻ của tỷ phú và ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ông này cho rằng, hiện nước Mỹ không thiếu vấn đề rắc rối phải đối mặt, do đó việc giải quyết tình huống nợ công của Hy Lạp là nhiệm vụ đặt ra cho đầu tàu EU là Đức.

Nếu Đức không thành công, ứng cử viên Tổng thống Mỹ nhận định rằng: "rất có thể Vladimir Putin sẽ ra tay cứu vãn tình thế” và EU chắc chắn là không muốn Nga và BRICS thò tay vào châu Âu”. Vì vậy, vị tỷ phú này cho rằng, tình hình của Hy Lạp sẽ thuận lợi hơn chứ không bi quan như nhiều người đánh giá.

Nhận xét:

Mặc dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý là một thắng lợi lớn của người dân trước chủ nghĩa tư bản cá mập của châu Âu, vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước cho đất nước Hy Lạp. Do vậy, sự giúp đỡ từ Nga và Trung Quốc nói riêng và khối BRICS nói chung sẽ là rất quan trọng đối với Hy Lạp trong cuộc chiến này.

Xem thêm:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.