Cuộc sống của chúng ta bắt đầu chấm dứt từ cái ngày chúng ta im lặng về những thứ thực sự quan trọng. Martin Luther King, Jr. |
Tác giả: TS. Phan Văn Hoàng
Nguồn: Blog Chiến tranh Việt Nam
Ngày 4/4/1967, giữa lúc bom đạn và chất độc hoá học của Mỹ trút xuống Việt Nam, một người Mỹ tuyên bố trước công chúng ở New York: “Tôi nói với tư cách một người anh em của những người Việt Nam nghèo khổ” và kêu gọi: “Để chuộc lại những tội lỗi và sai lầm của chúng ta ở Việt Nam, chúng ta phải chủ động chấm dứt cuộc chiến tranh bi thảm này”.
Người Mỹ ấy là mục sư Martin Luther King, Jr. Ông nổi tiếng là một thủ lãnh kiệt xuất của phong trào đòi quyền công dân của hàng triệu người da đen ở Mỹ, song không phải ai cũng biết ông còn là người kiên quyết đấu tranh cho hoà bình của Việt Nam.
Đúng một năm sau, ngày 4/4/1968, ông đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh ấy.
Đầu năm 1965, Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh ở Việt Nam: vừa ào ạt đổ quân viễn chinh vào miền Nam, vừa ném bom bừa bãi xuống miền Bắc. Martin Luther King, Jr. (MLK) đã sớm nhận ra tính chất phi nhân phi nghĩa của cuộc chiến tranh ấy, nên ngay từ tháng 7/1965, ông đã yêu cầu: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam phải được chấm dứt. Phải giải quyết nó bằng thương lượng”.
MLK phản đối chiến tranh trước hết vì nó ảnh hưởng tai hại đến cuộc sống của những người Mỹ da đen. Để có tiền chi phí cho chiến tranh, chính phủ Mỹ cắt giảm nhiều biện pháp cải thiện đời sống cho người nghèo (đa số là người da màu) trong chương trình “Xã hội vĩ đại”. MLK cho biết: tổng thống Johnson tiêu tốn 322.000 đô-la để giết một du kích quân ở Việt Nam, nhưng chỉ chi 53 đô-la cho mỗi đầu người trong cuộc chiến tranh chống nghèo đói ở Mỹ. MLK kết luận: “Những lời hứa về “Xã hội vĩ đại” đã bị bắn gục trên chiến trường Việt Nam”.
Nạn kỳ thị màu da còn thể hiện trong chiến tranh. Người da đen chỉ có 13% dân số Mỹ, nhưng chiếm đến 28% số lính Mỹ bị đẩy ra chiến trường. Chỉ có 2% sĩ quan là người da đen. Theo MLK, đó là lý do khiến tỷ lệ lính da đen chết trận tại Việt Nam luôn cao một cách bất bình thường.
MLK không thừa nhận chiêu bài “bảo vệ tự do” mà chính phủ Mỹ thường dùng để động viên thanh niên da đen sang Việt Nam. Ông nói: “Thanh niên da đen bị gửi đi xa 8.000 dặm để bảo vệ tự do cho Đông Nam Á, cái tự do mà họ không tìm thấy ở tây nam Georgia hay ở đông Harlem”.
Còn một lý do khác, sâu xa hơn, cao thượng hơn, khiến ông phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam được ông trình bày trong bài diễn thuyết tại New York ngày 4/4/1967.
MLK điểm lại chính sách của Mỹ đối với Việt Nam trong hai thập niên sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai của bốn đời tổng thống: Truman, Eisenhower, Kennedy và johnson.
Trong khi chính phủ Mỹ luôn tự xưng là “lãnh tụ của thế giới tự do” thì MLK chỉ ra rằng Mỹ đã đứng về phía thực dân Pháp để chống lại khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Ông nói:
“Năm 1945, nhân dân Việt Nam tuyên bố nền độc lập của mình… Họ được Hồ Chí Minh lãnh đạo. Dù họ đã trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ vào bản Tuyên ngôn độc lập của họ, chúng ta vẫn từ chối công nhận họ. Thay vào đó, chúng ta quyết định ủng hộ Pháp trong việc tái chiếm thuộc địa cũ… Với quyết định bi thảm đó, chúng ta đã bác bỏ một chính phủ cách mạng đang đi tìm quyền tự quyết, một chính phủ được thành lập bởi chính những lực lượng bản xứ, trong đó bao gồm một số người cộng sản…
Trong chín năm sau đó, chúng ta khước từ quyền độc lập của nhân dân Việt Nam. Trong suốt chín năm, chúng ta ủng hộ mạnh mẽ Pháp trong nỗ lực đặt lại ách thực dân lên đất nước Việt Nam. Trước khi chiến tranh kết thúc, chúng ta trang trải 80% chi phí chiến tranh cho Pháp.
Ngay trước khi thua ở Điện Biên Phủ, Pháp đã bắt đầu tuyệt vọng về hành động liều lĩnh của họ, nhưng chúng ta thì không. Chúng ta khuyến khích họ bằng cách viện trợ một khối lượng khổng lồ tài chính và tiếp liệu quân sự để họ tiếp tục cuộc chiến ngay cả khi họ đã mất hết ý chí. Chẳng bao lâu, chúng ta hầu như trả toàn bộ chi phí cho ý đồ tái chiếm thuộc địa nầy”.
Pháp bị nhân dân Việt Nam đánh bại, phải rút quân về nước. Nhưng Mỹ lại nhảy vào miền Nam, “ngăn cản cuộc tổng tuyển cử mà chắc chắn sẽ đưa Hồ Chí Minh lên nắm quyền trong một nước Việt Nam thống nhất”. Để giữ miền Nam trong quỹ đạo của Mỹ, “chúng ta ủng hộ thủ tướng Diệm, một trong những nhà độc tài xấu xa nhất của thời hiện đại, người do chúng ta chọn lựa”. Người dân miền Nam phải sống chín năm dưới sự cai trị tàn bạo của Diệm. “Khi Diệm bị lật đổ, lẽ ra họ có thể sống hạnh phúc, nhưng rồi một loạt chế độ độc tài quân phiệt dường như chẳng có gì thay đổi”.
Trước phong trào nổi dậy của người dân miền Nam, “chúng ta gửi thêm quân lính sang để ủng hộ những chính phủ thối nát một cách kinh dị, lạc lõng, không được dân chúng ủng hộ… Người dân miền Nam chết dần chết mòn dưới bom đạn của chúng ta và xem chúng ta như kẻ thù đích thực của họ… Chúng ta buộc họ phải rời khỏi xóm làng của cha ông họ để bị dồn vào những trại tập trung… Chúng ta rải chất độc xuống các nguồn nước của họ, tàn phá cả triệu mẫu Anh mùa màng của họ… Chúng ta thử nghiệm những vũ khí mới nhất của chúng ta trên họ, giống như bọn Đức (quốc xã) thử nghiệm những loại thuốc mới và những cách tra tấn mới trong các trại tập trung của chúng ở châu Âu… Chúng ta tàn phá hai định chế thiết thân nhất của họ là gia đình và xóm làng…
Ở miền Bắc, bom của chúng ta đang liên tục ném xuống đất đai, còn mìn của chúng ta đang gây nguy hiểm cho các đường sông, đường biển… Cho đến nay, chúng ta có thể đã giết chết một triệu người Việt Nam, phần lớn là trẻ em”.
MLK nhận định: “Chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đã sai lầm ngay từ đầu cuộc phiêu lưu của chúng ta ở Việt Nam, rằng chúng ta đã gây tổn hại cho cuộc sống của nhân dân Việt Nam”.
Cảm thông sâu sắc nỗi đau thương mất mát của người dân Việt Nam, MLK lên tiếng đòi phải chấm dứt ngay cuộc chiến tranh tàn khốc mà chính phủ Mỹ đang tiến hành ở hai miền Nam, Bắc Việt Nam:
“Bằng cách này hay bằng cách khác, sự điên rồ này phải ngừng lại. Chúng ta phải chấm dứt ngay bây giờ… Chúng ta đã chủ động gây ra cuộc chiến tranh này, chúng ta phải chủ động chấm dứt nó… Để chuộc lại những tội lỗi và sai lầm của chúng ta ở Việt Nam, chúng ta phải chủ động chấm dứt cuộc chiến tranh bi thảm nầy”.
MLK đưa ra năm đề nghị cụ thể:
Chấm dứt mọi cuộc ném bom xuống miền Bắc và miền Nam Việt Nam.
Đơn phương tuyên bố ngưng bắn với hi vọng hành động đó sẽ tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho thương thuyết.
Có ngay những bước đi ngay lập tức để tránh những cuộc chiến tranh khác ở Đông Nam Á bằng cách cắt bỏ việc xây dựng quân sự của chúng ta ở Thái Lan và sự can thiệp của chúng ta ở Lào.
Thừa nhận một cách thực tế rằng Mặt trận dân tộc giải phóng được sự ủng hộ to lớn ở miền Nam Việt Nam và vì vậy phải đóng một vai trò trong các cuộc thương thuyết và trong chính phủ tương lai ở Việt Nam.
Ấn định ngày đưa toàn bộ lính nước ngoài ra khỏi Việt Nam phù hợp với Hiệp định Genève 1954. Sau khi chiến tranh kết thúc, “chúng ta phải bồi thường cho những thiệt hại mà chúng ta đã gây ra”.
Vì “đường lối của Mỹ ở Việt Nam là đáng hổ thẹn và không chính nghĩa” nên MLK kêu gọi mọi người Mỹ: “Chúng ta phải nói… Chúng ta không thể im lặng… Chúng ta phải tiếp tục lên tiếng nếu nước chúng ta cứ khăng khăng đi theo con đường sai lầm ở Việt Nam. Chúng ta phải sẵn sàng gắn hành động với lời nói bằng cách tìm ra mọi cách phản đối… Chúng ta phải chuyển từ sự do dự trong quá khứ sang hành động. Chúng ta phải tìm ra những cách nói mới cho hoà bình ở Việt Nam cũng như cho công lý trong thế giới đang phát triển”.
Đối với thanh niên Mỹ, ông đề nghị “phải làm cho thanh niên Mỹ thấy rõ vai trò của nước Mỹ (trong việc gây ra chiến tranh) ở Việt Nam và yêu cầu họ chọn cách từ chối nhập ngũ vì lý do tôn giáo (conscientious objection)”.
Bài diễn văn của MLK soi sáng cho rất nhiều người Mỹ – cho đến lúc đó vẫn còn biết rất ít về quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam cũng như về căn nguyên của chiến tranh ở Việt Nam.
MLK trở thành một trong những lãnh tụ xuất sắc của phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ. Uy tín của ông ngày càng lớn. Chỉ cần ông đưa ra một lời kêu gọi, đã có hơn mười vạn người xuống đường ở New York ngày 15/4/1967.
Thật buồn cười khi chính phủ Mỹ – mà MLK gọi là “kẻ cung cấp bạo lực lớn nhất trên thế giới ngày nay” – lại sợ hãi một mục sư chủ trương đấu tranh bằng phương pháp bất bạo động.
Họ tìm cách nói xấu ông. Tổng thống Johnson gọi MLK là “một nhà thuyết giáo đạo đức giả”, còn giám đốc cơ quan điều tra liên bang FBI Edgar Hoover cho MLK là “kẻ nói dối nổi tiếng nhất nước”.
Họ chụp cho ông cái mũ cộng sản. Ngày 5/9/1967, Johnson nói với các cố vấn của ông: “Mối đe doạ chủ yếu đối với chúng ta đến từ kẻ chủ trương hoà bình”. Để có cớ đàn áp những người phản đối chiến tranh, Johnson ra lệnh cho cơ quan tình báo trung ương CIA tung tin: “Phong trào đòi hoà bình được khởi động từ Hà Nội”, những người phản chiến là “những người cộng sản hành động theo lệnh của các chính phủ nước ngoài” (5). Dựa theo luận điệu đó, báo Time phê bình bài diễn thuyết của MLK là “lời vu khống có tính chất mị dân, nghe như một bài phát thanh cho Đài Hà Nội”.
FBI cho người nghe lén điện thoại của ông, đặt máy ghi âm trong phòng khách sạn của ông. Nhiều thư hay cú điện thoại nặc danh hăm doạ giết ông hoặc khuyên ông tự tử. Nhà của ông ở Montgomery bị đặt bom…
Nhưng MLK không chút nao núng. Ông vẫn hoạt động hăng hái trong phong trào phản chiến.
Ngày 28/3/1968, ông tổ chức một cuộc biểu tình đòi hoà bình ở Memphis (bang Tennessee). Nhà cầm quyền phái 4.000 vệ quốc binh quốc gia đến giải tán, bắt đi 276 người.
Ba ngày sau, 31/3/1968, ông có mặt ở thủ đô Washington để diễn thuyết tại Nhà thờ quốc gia.
Vào cuối năm ấy sẽ có cuộc bầu cử tổng thống mới ở Mỹ. Chiến tranh Việt Nam đang là đề tài mang tính thời sự nóng bỏng trong suốt thời gian vận động tranh cử. Những lời phản đối chiến tranh của MLK có thể khiến đảng của Johnson mất đi nhiều phiếu. Vì vậy, ông nhận được nhiều loại hăm doạ… trong bài diễn thuyết ngày 3.4.1968, ông nói trước đám đông: “Cũng như bất kỳ ai, tôi cũng muốn sống thọ. Sống thọ là điều quan trọng, nhưng hiện nay tôi không quan tâm đến điều đó”.
Ngày hôm sau, 4/4/1968, vào lúc 6g01 chiều, khi ông đang đứng ở bao lơn lầu 2 của khách sạn Lorraine ở Memphis, ông bị bắn. Hơn một tiếng đồng hồ sau, lúc 7g05, ông trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Saint Joseph. Lúc đó, ông mới 39 tuổi!
Hay tin ông mất, những người yêu chuộng hoà bình và công lý trên toàn thế giới vô cùng thương tiếc. Ngày 9/4/1968, hơn 30 vạn người đau buồn tiễn đưa linh cữu của ông ra nghĩa trang.
Trong cuộc kháng chiến để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, nhiều bạn bè thuộc nhiều quốc tịch khác nhau (Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Thuỵ Điển…) đã đứng về phía nhân dân Việt Nam, chống lại đế quốc Mỹ xâm lược. Trong số những người ấy, có MLK.
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, chúng ta không bao giờ quên người bạn Mỹ đã ngã xuống cho hoà bình của Việt Nam 40 năm trước. Một con đường khang trang ở quận 7 Thành phố Hồ Chí Minh có vinh dự mang tên Martin Luther King, Jr.
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.