Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Khủng hoảng nợ Hy Lạp: Câu chuyện hoang đường về người dân tiêu xài quá độ

Tác giả: John Humphrys
Nguồn: Sunday London Times
Nguồn dịch: Nghiên cứu quốc tế

Với lề thói tiêu pha và mức lương hưu trí điên rồ, người dân Hy Lạp đã tự mang đến cuộc khủng hoảng này, đúng không? Không phải. John Humphrys đưa ra những lập luận khách quan bảo vệ một dân tộc mà ông yêu mến và cho rằng họ đã bị phản bội.

Khi tôi còn là một thanh niên trẻ những năm 1950, mỗi sáng Thứ Hai một kịch bản giống hệt nhau đã diễn ra ở các hộ dân lao động như nhà tôi trên khắp quốc đảo này (nước Anh). Khi cha tôi rời khỏi nhà, mẹ tôi lôi nồi nấu nước từ dưới gầm bồn rửa, đổ đầy nước vào và bắt đầu công việc giặt dũ. Một tiếng sau, quần áo được bỏ ra và rũ hoặc bằng tay hoặc bằng máy quay. Sau đó, nếu thời tiết cho phép, quần áo được phơi ra ngoài trời, hoặc được giăng quanh nhà đợi đến khi trời dừng mưa. Một công việc nhà nặng nhọc mà tất cả các bà mẹ đều phải vật lộn cùng với nhiều việc nội trợ khác.

Bạn có thể hỏi điều này thì liên quan gì đến Hy lạp? Thực ra nó liên quan rất nhiều trong bối cảnh Hy Lạp hiện nay.

Cha mẹ tôi và hàng triệu bậc cha mẹ khác đều đã có thể mua một chiếc máy giặt – một trong nhiều đồ gia dụng thay thế sức người đã giải phóng phụ nữ khỏi những công việc nặng nhọc thường làm cho cuộc sống của họ buồn chán, khổ sở.

Họ nghèo, nhưng khi đó dịch vụ thuê mua đã xuất hiện. Máy giặt, máy hút bụi hay tủ lạnh đã có thể được thuê đối với nhiều hộ gia đình. Thay vào đó những người như cha, mẹ tôi đã đợi cho đến khi họ tiết kiệm đủ tiền. Mặc dù điều này có thể mất nhiều năm.

Bạn bị sốc? Đúng vậy, ở một chừng mực nào đó. Mẹ tôi là một phụ nữ thông minh nhưng chưa từng đọc một cuốn sách nào đơn giản là vì bà đã quá bận với năm người con và tất cả các công việc nội trợ. Nhưng những năm sau, khi tôi hỏi bà tại sao lại lãng phí quá nhiều cuộc đời mình cho những công việc nặng nhọc không cần thiết ấy, bà không phàn nàn một lời.

“Mẹ đã được dạy bảo cần phải làm như vậy” bà nói. “Vay mượn là tội lỗi. Nếu không có tiền thì đừng mua, có thế thôi.” Cho đến khi mất bà vẫn coi thẻ tín dụng là sản phẩm của quỷ Sa-tăng, và không chỉ có mình bà.

Giờ hãy xem Hy Lạp vào những năm chuyển giao thế kỷ. Một đất nước trên nhiều phương diện cũng giống như Anh vào những năm 1950. Mọi thứ đã xuống cấp. Họ không có khái niệm gì về chủ nghĩa tiêu dùng. Nếu bạn muốn lắp một chiếc điện thoại tại nhà bạn sẽ phải chờ nhiều tháng. Và thẻ tín dụng không hề được nhắc đến. Thế hệ lớn tuổi không có cảnh nợ nần chồng chất.

Tất cả đã thay đổi kể từ nửa đêm 31/12/1998. Đồng Euro ra đời, Hy Lạp sau đó đã trở thành một phần của khu vực đồng tiền chung và mọi sự vỡ tung ra. Nó giống như kéo một chiếc xe cũ nát lên đỉnh đồi cao, lắp vào một động cơ siêu tốc và lướt xuống đồi với tốc độ mà Jeremy Clarkson (đạo diễn Chương trình giải trí nổi tiếng Anh- Top Gear) cũng phải ghen tỵ. Và sau đó đã quá muộn để nhận ra rằng xe mất phanh.

Nước Anh đã phải mất một hoặc hai thế hệ để học cách sống với thế giới tín dụng mới. Người dân Hy Lạp đã cố gắng thích nghi với nó chỉ qua một đêm và dễ đoán là họ đã thất bại.

Hiệu ứng tức thì và dễ thấy nhất của đồng Euro là giá cả tăng vọt. Tôi đã thường xuyên đến Hy Lạp kể từ khi con trai đầu Christopher của tôi chuyển tới Thủ đô Athens vào năm 1992. Những bữa ăn tối kèm đồ uống của chúng tôi bỗng nhiên đắt lên gấp đôi.

Điều đó có thể dự đoán được, và đó cũng không hẳn là cuộc khủng hoảng sống còn. Ở một tầm mức khác hẳn là những gì mà Chính phủ Hy Lạp đã làm. Cả thế giới giờ đã biết Chính phủ Hy Lạp vay mượn và chi tiêu ở một mức không thể hình dung nổi.

Xin hãy nhất trí với nhau ở một điểm. Điều đã xảy ra tại Hy Lạp không phải lỗi của người dân nước này: lỗi chính là của các nhà chính trị. Và lỗi của những kẻ giàu có (oligarchs). Người dân Hy Lạp tin rằng khó có thể tách bạch hai tầng lớp này và họ coi khinh hai tầng lớp này như nhau. Không khó để có thể nhận thấy tại sao.

Những kẻ rất giàu đã có thể làm giàu hơn nữa ít nhất vì hai lý do. Thứ nhất, họ trốn thuế và các chính trị gia đã không trừng phạt họ. Thứ hai, rất nhiều tập đoàn kinh doanh đã “hớt váng” lợi nhuận từ những hợp đồng mà các chính trị gia ban phát cho họ, những hợp đồng được phát không khác gì việc người ta phát tờ rơi quảng cáo ở bên ngoài các bến ga tàu điện ngầm. Điểm khác là các chính trị gia trông chờ có lại quả.

Người dân Hy Lạp đều biết có ít nhất một bộ trưởng nội các chính phủ đã mua biệt thự sang trọng chỉ năm phút sau khi nhậm chức. Và dân thường Hy Lạp cũng tận mắt nhìn thấy các du thuyền sang trọng đậu ở các bến cảng và những nhà hàng được xếp hạng sao bởi hãng Michelin mà phải đợi hàng ba tháng mới có thể đặt được bàn.

Thực tế, các quán cà phê bình dân cũng đầy khách. Nhưng nếu bạn chịu khó quan sát kỹ hơn, bạn sẽ thấy rất ít khách hàng dùng bữa ở đó. Thay vào đó, họ ngồi uống cà phê, giúp họ có thể ngồi hàng giờ ở đó. Thỉnh thoảng một cặp vợ chồng cùng uống chung một cốc - mặc dù những chủ quán cà phê khốn khó này đã phải giảm giá một nửa.

Điều này có vẻ bất tiện nhưng việc gặp gỡ bạn bè ở quán cà phê là một phần quan trọng trong lối sống truyền thống Hy Lạp vốn đang bị xé vụn ra. Trên tất cả, có hai thứ gắn kết xã hội Hy Lạp trong hàng thế kỷ qua. Hiển nhiên gia đình là yếu tố thứ nhất. Yếu tố thứ hai là tình bằng hữu đi suốt cuộc đời, điều được gọi là “parea” (nhóm bạn thân thiết).

Hầu hết người dân Hy Lạp đều có parea của riêng mình: nhóm nhỏ các bạn hữu, khoảng 12 người hoặc nhiều hơn, mà họ có thể gặp gỡ ở trường phổ thông, đại học hay trong công việc đầu tiên. Họ giao lưu xã hội thành nhóm. Nếu một thanh niên Hy Lạp vào quán bar ở Athens, nhân viên quán rất có thể hỏi họ thuộc đám khách “parea” nào. Và sẽ rất ngạc nhiên nếu họ đi một mình. Nhóm bạn thân thiết rất quan trọng.

Bạn của con trai tôi là một ngoại lệ hiếm thấy. Một thanh niên Hy Lạp khá thành đạt rất nỗ lực để giữ được công ăn việc làm. Điều mà anh ta đang mất đi là bạn bè thân thiết (parea). Anh ta là người duy nhất trong nhóm còn có việc làm và do đó, là người duy nhất đủ khả năng trả tiền cho các cuộc chơi tối. Nhưng các bạn của anh ta vì sỹ diện không cho phép anh ta trả tiền. Do đó, anh ta tự nhiên trở nên bị cô lập với bạn bè của mình.

Sao họ lại không gặp gỡ nhau ở nhà của một ai đó? Bởi vì các thanh niên này đều sống cùng với bố mẹ của mình. Cơ hội để cho họ mua một căn hộ khiêm tốn nhất cũng là số không. Và những ai đã từng thuê căn hộ ở cũng không còn đủ khả năng chi trả. Họ cũng không đủ tiền để lập gia đình và ra ở riêng.

Natasha, 27 tuổi, nói với tôi: “Nếu chúng tôi muốn quan hệ tình cảm, chúng tôi thuê phòng khách sạn một hoặc hai giờ, hoặc là trong xe ô-tô. Một số bạn bè tôi thậm chí không đủ tiền mua bao cao su và các bệnh lây qua đường tình dục đang tăng lên.”

Tôi không cần kiểm tra các con số thống kê để biết điều gì đang xảy ra đối với hôn nhân gia đình. Mười năm trước, Christopher và tôi dựng một căn nhà ở vịnh Peloponnese. Ở đó thật tuyệt trừ những tối Thứ Bảy và Chủ Nhật từ tháng Năm đến tháng Mười. Phải đến một nửa những cặp vợ chồng mới cưới trong khu vực tổ chức bữa tiệc cưới tối ở đó. Và tiếng đàn Bouzouki vang vọng trên bãi biển. Thật lý tưởng cho tổ chức tiệc nhưng quá ồn để nghỉ ngơi. Bây giờ cả khu vực lặng im.

Còn những ai đã lập gia đình thì lo sợ có con cái. Một người bạn kể với tôi rằng một người cô quen vất vả ngược xuôi để có con, cuối cùng, sau khi chữa trị rất tốn kém cũng có mang. Khi bác sỹ thông báo điều đó, cô đề nghị ông nạo thai đi. Ông bác sỹ kinh ngạc nhưng cô và chồng cô vừa mất việc và không còn đủ tiền nuôi con.

Và đây là một điều nữa mà nhiều người Hy Lạp tôi trò chuyện cùng cảm thấy đau lòng: thông tin rằng chúng ta, những người ở các nước giàu có hơn ở châu Âu, đổ lỗi cho người dân Hy Lạp về những điều đang diễn ra. Chính họ đã mang đến những điều đó? Và họ đáng nhận những điều tồi tệ đó, phải không?

Thực tế là không. Họ không làm và không đáng nhận.

Họ chẳng phải là một lũ lười biếng sao? Làm vài năm, đến 50 tuổi nghỉ hưu với lương hưu khủng và hy vọng rằng chúng ta sẽ thanh toán hóa đơn. Không. Không. Không.

Hãy xem những nam thanh và nữ tú không làm việc. Khoảng 60% người dân Hy Lạp dưới 25 tuổi không có việc làm và không thể kiếm được việc làm. Chính sách khắc khổ áp đặt lên đất nước này đúng lúc họ rời trường phổ thông hay tốt nghiệp đại học hay hết hạn nghĩa vụ quân sự. Như vậy thật khó để hình dung làm sao họ có thể chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của nền kinh tế.

Không phải họ thì hãy cùng đổ lỗi cho cha mẹ họ vậy? Đúng là cuộc sống của cha mẹ họ dễ thở hơn và lương hưu thì quá đỗi hào phóng cho những ai đã làm việc trong khu vực công dư thừa biên chế.

Con trai tôi có một cô bạn cuối độ tuổi 30 khi họ quen biết nhau. Hơi khác thường ở tuổi đó, cô ta vẫn chưa lập gia đình mặc dù rất muốn. Điều đã cản trở cô ấy là nếu lập gia đình, cô sẽ mất phần “lương hưu”, hay chính xác hơn, phần lương hưu của bố cô. Khi ông chết, nó được chuyển sang cho cô với tư cách là người phụ thuộc chưa có gia đình. Phi lý nhưng không phải là hiếm.

Và đúng là nhiều người lao động Hy Lạp có thể nhận tiền lương hưu từ 50 tuổi nhưng lương của họ khá khiêm tốn. Và tôi cũng tự hỏi có bao nhiêu người dân Anh có thể từ chối việc lĩnh lương hưu sớm nếu như chính phủ Anh cũng hào phóng mời chào họ.

Sự thực là hai đảng phái chính trị nắm giữ quyền lực, kể từ sự sụp đổ của Chính quyền quân sự năm 1974 cho đến khi cuộc khủng hoảng này nhấn chìm họ, đã mua chuộc dân chúng để lấy phiếu bầu và cả hai đảng đều cố để vượt bên kia. Và đúng là người dân Hy Lạp đã nhận những gì họ được mời chào mà không hỏi han gì. Điều này cũng không có gì là lạ nếu nhìn lại lịch sử Hy Lạp.

Người ta dễ dàng quên rằng mặc dù Hy Lạp đã để lại di sản quý báu về dân chủ cho Phương Tây hàng nghìn năm trước nhưng trong lịch sử cận đại người dân Hy Lạp chỉ được hưởng thành quả của dân chủ trong một thời gian quá ngắn ngủi.

Đất nước này đã niếm trải đủ loại địa ngục trong ký ức mới đây thôi. Sự thống trị bạo tàn không thể tả xiết của Phát xít. Cuộc nội chiến xé vỡ toang đất nước này. Một chính quyền quân sự độc tài dã man. Có gì là lạ khi mà người dân đã trải qua, hoặc cha mẹ của họ đã chịu những điều tồi tệ nhất, lại vui vẻ chấp nhận những gì Nhà nước chào mời không một lời thắc mắc.

Nhưng cái giá của sự bàng quan của người dân chính là mức độ tham nhũng đáng kinh hãi ở mọi cấp độ. Khi ở Hy Lạp vài tháng trước, tôi có gặp một cặp vợ chồng dễ mến, Vangelis và Mika Geroyianni, đã từng sở hữu một công ty đại lý ô-tô. Họ thường xuyên được các vị viên chức thuế hỏi thăm, giống như hầu hết các doanh nghiệp tư nhân thành công khác (tất nhiên là trừ các đại gia). Các đại gia này chung chi ở đẳng cấp khác.

Vangelis bảo tôi từ khi nổ ra khủng hoảng tài chính, các vị khách này cũng không viếng thăm nữa. Tôi hỏi tại sao lại vậy. Câu trả lời là kinh doanh của anh ta bên bờ vực sụp đổ và không còn kiếm được tiền nữa. Vậy là cán bộ thuế chả có lý do gì để đến. Như lời của anh, không có ích gì khi tống tiền người không thể trả.

Những ngày xưa “tốt đẹp”, có ba loại cán bộ thuế: cán bộ cứng rắn, cán bộ mền và ông sếp. Chả có gì phải che đậy cả. Nếu đưa đủ, cơ sở của Geroyianni chả phải nghe gì thêm từ sở thuế. Không đưa đủ, họ có thể phải gặp rắc rối nghiêm trọng đối với kỳ kế toán tiếp theo. Rắc rối rất nghiêm trọng. Như kiểu ông sếp nói: quy định về thuế rất là phức tạp và có rất nhiều vùng xám.

“Thế cô phải đưa nộp phong bì đen với tiền mặt trong đó à?” Tôi hỏi Mika.

“Không”, cô trả lời, “không phải là phong bì… mà là một túi to. Không phải là vài trăm Euro mà vài nghìn.”

Khi tôi kể chuyện này với một bộ trưởng chính phủ về cuộc đối thoại trên, ông bộ trưởng chả buồn phủ nhận điều đó, chỉ gật đầu buồn bã và nhận xét tham nhũng cũng xa xưa như chính Hy Lạp vậy. Bạn có thể làm gì đây?

Nhà Geroyianni vẫn cố trụ lại kinh doanh. Nhưng họ đã phải bán căn nhà tiện nghi của mình và chuyển tới một căn hộ. Họ sa thải hầu hết các nhân viên và thay vì một đại lý xe ô-tô khá giả trước đây thì giờ họ điều hành một cửa hiệu sửa chữa nhỏ. Nhưng giờ đây có một chính phủ mới và, khi tôi đang viết, không phải chỉ cơ sở kinh doanh nhỏ bé của họ, và hàng nghìn hộ kinh doanh giống như thế đang gia nhập danh sách phá sản dài; cả đất nước này cũng vậy.

Trong những năm tôi theo dõi viết bài về cuộc khủng hoảng này, có một thứ không thay đổi. Một tỷ lệ lớn người dân Hy Lạp quyết tâm ở lại trong khu vực đồng Euro. Quyết tâm đó dựa không chỉ trên nhân tố kinh tế thuần túy. Đó còn là lòng tự hào. Những tờ Euro trong ví của người dân Hy Lạp là minh chứng cho việc Hy Lạp đã để lại quá khứ rắc rối phía sau và cuối cùng đã từ thế giới Thứ Ba lên thế giới Thứ Nhất. Người dân Hy Lạp ở tuyến đầu cùng với các dân tộc châu Âu.

Các thăm dò ý kiến đều chỉ ra người dân Hy Lạp vẫn quyết tâm giữ đồng Euro. Nhưng tôi nghi ngờ. Mỗi lần quay lại Hy Lạp, tôi lại cảm nhận sự thay đổi tâm trạng, ít nhất là giới trí thức trung lưu. Trước đây họ nói với tôi: “Chúng tôi không có lựa chọn nào nếu muốn phục hồi.” Giờ đây họ lại hỏi tôi: “Làm sao chúng tôi có thể phục hồi được nếu họ cứ bảo chúng tôi phải liên tục cắt ngân sách, liên tục đánh thuế và đánh thuế?”. Đó là một câu hỏi khó trả lời.

Nó đặc biệt khó trả lời khi mà một trong những điều kiện mà giới chủ nợ Hy Lạp yêu cầu là tăng thuế VAT. Nó sẽ hầu như ngay lập tức làm hạn chế du lịch nước ngoài đến Hy Lạp. Nếu có gì đó có thể cứu rỗi cho nền kinh tế Hy Lạp trong trung hạn, đó là du lịch.

Nhưng những khoản cắt giảm phúc lợi mới động chạm và gây bức xúc nhiều nhất, nhất là cắt giảm lương hưu. Những khoản hưu trí này đã từng mang lại một cuộc sống tuổi già khá yên ổn cho những người ông và người cha nay bị cắt giảm tới 40%. Điều đó có thể chịu đựng được. Nhưng giờ đây không chỉ cặp vợ chồng già dựa vào những khoản lương hưu bị cắt giảm đó nữa. Thông thường, cả con cái và cháu chắt của họ cũng dựa vào đó. Làm sao bạn có thể bảo những con người này chấp nhận bị cắt cả những phần thu nhập ít ỏi vốn chẳng đủ để nuôi sống họ và con cháu họ?

Và vâng, người Hy Lạp đang đói. Trước đây, chỉ có những người (nước ngoài) nhập cư trẻ lục tìm thùng rác trên đường phố ngoài khu căn hộ của con trai tôi. Giờ đây nhiều khả năng là cả những người dân Hy Lạp. Thỉnh thoảng có cả những người già. Có gì đó cay đắng không thể chịu đựng được khi nhìn một ông già đi lại khó nhọc trong bộ com-plê đẹp nhất với bộ ria trắng đang bới thùng rác. Hay một bà già ở góc phố một tay che mặt, còn tay kia đang chìa ra xin ăn.

Làm sao bạn có thể bảo những người như vậy rằng họ phải chịu đựng, hy sinh để trả lại đống nợ chồng chất đã được tạo ra bởi các nhà chính trị khi thực hiện tham vọng của mình hay các ngân hàng đầu tư đã bật đèn xanh cho việc gia nhập đồng Euro khi mà mọi chỉ số kinh tế đều đang báo động đỏ?

Bạn hãy trả lời tôi đi!

Nhận xét:

Một lý do nữa của sự bùng nổ ngân sách của Hy Lạp trong những năm vừa qua là chi tiêu quá mức cho quốc phòng. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Hy Lạp thường xuyên chi 5% - 7% GDP cho quốc phòng trong khi các nước khác trong châu Âu chỉ chi 2% GDP. Phần lớn số tiền ấy được vay từ ECB (đứng đầu là Đức và Pháp) và để trả cho các công ty sản xuất vũ khí của chính Đức và Pháp. Điều đó xảy ra trong khi chính phủ Đức và Pháp biết rõ là Hy Lạp không có khả năng chi trả. Không khác mấy so với bọn mafia cho vay nặng lãi phải không?

Thêm vào đó, ngay khi liên minh cầm quyền Syriza hiện nay được bầu lên, ECB tuyên bố không chấp nhận trái phiếu chính phủ Hy Lạp làm vốn thế chấp. Nó cũng tương tự như là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ tuyên bố sẽ không chấp nhận trái phiếu phát hành bởi Washington. Đây là mấu chốt của vấn đề. Người Hy Lạp đã “bầu chọn sai lầm”, vậy nên giới tài chính quốc tế cố tình đẩy cuộc khủng hoảng đến mức tồi tệ hơn để trừng phạt người dân thường Hy Lạp và tìm cách lật đổ chính quyền đã được bầu.

Xem thêm:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.