Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Ngợi ca những linh hồn trống rỗng - Chúng ta có thể học từ kẻ thái nhân cách không?

Tác giả: Martha Stout
Nguồn: New Republic
Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại

Nhận xét: Trong những năm gần đây, để đối phó với nhận thức ngày càng gia tăng về kẻ thái nhân cách và những gì chúng gây ra trong xã hội, nhiều thông tin giả mạo, sai lệch bắt đầu được tung ra để thao túng nhận thức của công chúng về chủ đề này. Một trong các luồng thông tin hỏa mù đó là xu hướng ca ngợi những "đức tính" của kẻ thái nhân cách và gợi ý rằng người bình thường chúng ta có thể học hỏi nhiều điều từ chúng, với ví dụ điển hình là cuốn sách Sự Khôn ngoan của Kẻ Thái nhân cách: Những gì Các Thánh nhân, Gián điệp và Kẻ Giết người Hàng loạt có thể Dạy Chúng ta về Sự Thành công (The Wisdom of Psychopaths: What Saints, Spies, and Serial Killers Can Teach Us About Success) bởi Kevin Dutton. Dưới đây là bài viết của Martha Stout, tác giả cuốn Kẻ Thái nhân cách ở Nhà bên, đập tan những luận điểm xuyên tạc trong cuốn sách trên của Dutton.

Để biết thêm về chứng thái nhân cách, mời các bạn xem Tập hợp các bài viết về chứng thái nhân cách trên blog này

Cách đây nhiều năm, khi còn là một sinh viên, tôi tham dự một số bài giảng của một nhà nhân chủng học nổi tiếng, người có tài cuốn hút người nghe với những câu chuyện kỳ lạ và hấp dẫn về một nhóm người bản địa mà ông đã sống cùng tại một góc xa xôi nào đó của hành tinh. Những mẩu chuyện đó rất gây ấn tượng. Thật vậy, một số mẩu chuyện tuyệt vời đến mức khi kết thúc bài giảng, tôi tin chắc rằng tôi vừa được nghe những sự thật trái với quan niệm thông thường nhưng rất quan trọng về hành vi con người. Chỉ đến bài giảng cuối cùng tôi mới có ý niệm mơ hồ rằng các “sự thật” này không có liên quan mấy với thực tế. Khá hân hoan trong sự khinh bỉ của mình, một trong những phụ giảng đang làm nghiên cứu sinh của ông ta thì thầm với tôi rằng, khi đi thực tế, nhà nhân chủng học đã cho người dân bản địa kẹo sôcôla để đổi lấy những câu chuyện về bản thân họ - câu chuyện càng khác thường bao nhiêu thì sôcôla càng nhiều bấy nhiêu. Các sinh viên đang say sưa ghi chép của ông ta trở thành ví dụ minh họa về việc tâm trí con người dễ dàng chấp nhận những điều kỳ lạ và hấp dẫn là chân lý khoa học đến mức nào.

Mặc dù không có lý do để nghĩ rằng kẹo sôcôla có vai trò gì ở đây, tôi lo ngại rằng một hiện tượng tương tự có thể xảy ra với các độc giả cuốn sách Sự Khôn ngoan của Kẻ Thái nhân cách bởi Kevin Dutton, một nhà tâm lý học tại trường đại học Oxford. Luận điểm bắt mắt của Dutton là thế này: “Thái nhân cách giống như là ánh sáng mặt trời. Tiếp xúc quá nhiều có thể đẩy nhanh con người đến hồi kết với căn bệnh ung thư khủng khiếp. Nhưng sự tiếp xúc có kiểm soát ở những mức độ tối ưu có thể có tác động tích cực đáng kể đối với hạnh phúc và chất lượng cuộc sống.” Thái nhân cách, Dutton đề xuất, là “nhân cách với một nước da rám nắng đẹp đẽ”.

Kỳ lạ thay, không một lần nào trong cuốn sách về thái nhân cách này Dutton định nghĩa chính xác thái nhân cách là gì. Vì vậy, tôi sẽ làm vậy ở đây. Thái nhân cách là một hội chứng rối loạn của não bộ và hành vi, trong đó đặc tính trọng tâm là sự thiếu vắng hoàn toàn của lương tâm. Tất cả các đặc tính bệnh lý khác của nó (như nhẫn tâm, dối trá thường xuyên, và tàn ác) đều bắt nguồn từ sự thiếu vắng của lương tâm này. Thêm vào đó, như là dấu hiệu báo trước của những sai lầm lớn trong lập luận, Dutton không một lần nào thảo luận về khái niệm lương tâm, và trong toàn bộ cuốn sách, ông ta nhắc đến từ đó - lương tâm - tất cả bốn lần, mà cũng chỉ thoáng qua.

Cái mà Dutton đề cập đến là những phép ẩn dụ hào nhoáng, một số lượng hào phóng các câu chuyện cá nhân được viết cực kỳ tốt, và nhiều ám chỉ đến những nghiên cứu tâm lý và thần kinh hấp dẫn. Điều không may là hầu hết các nghiên cứu khoa học mà ông ta trích dẫn may ra thì có liên quan một cách lập lờ đến luận điểm của ông ta, tệ hơn thì hoàn toàn sai lạc. Nhìn chung, cuốn sách để lại cho độc giả ấn tượng rằng thái nhân cách bao gồm những đặc điểm như không biết sợ, bất cần đời, và một cuộc sống không bị gánh nặng bởi những gì người khác nghĩ. Hiện thực mang nghĩa đen hơn thế: Không ai có nghĩa gì với kẻ thái nhân cách.

Luận điểm của Dutton, nếu viết lại theo một ngôn ngữ trần trụi và thẳng thắn hơn những gì ông ta sử dụng, sẽ là thế này: “Những kẻ không có lương tâm mang lại cho chúng ta một số bài học về sự khôn ngoan. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo của chúng ta cần xem xét những tấm gương về tinh thần và hành vi mà những kẻ không có lương tâm có thể cung cấp.” Để hỗ trợ cho lập luận của mình, ông ta khẳng định rằng khả năng kiểm soát sự sợ hãi của Neil Armstrong trong khi thực hiện cuộc đổ bộ gần như không thể xuống mặt trăng là phiên bản tạm thời của sự tách biệt tình cảm luôn luôn có ở kẻ thái nhân cách, thứ khiến kẻ thái nhân cách luôn bình tĩnh một cách siêu nhiên (Độc giả nào muốn tìm hiểu về chủ đề làm thế nào con người đạt được hiệu suất làm việc lý tưởng, tôi gợi ý một trong các cuốn sách về khái niệm dòng chảy (flow) của nhà tâm lý học nổi tiếng Mihaly Csikszentmihalyi, người mà Dutton chỉ đề cập một cách thoáng qua và không chính xác.)

Có nhiều sự hiểu lầm đáng ngạc nhiên khác liên quan đến những bài học mà kẻ thái nhân cách được cho là có thể dạy chúng ta: Dutton nhầm lẫn giữa sự “vững vàng về tinh thần” với thói bất cần, và sức mạnh tinh thần của chánh niệm với sự thờ ơ của kẻ thái nhân cách với các hậu quả trong tương lai xuất phát từ hành vi của chúng. Ông ta đánh đồng sự thiếu vắng vĩnh viễn của tình cảm trong kẻ thái nhân cách với khả năng kiểm soát cảm xúc của người bình thường khi phải đưa ra quyết định gì đó dưới áp lực cao. Ông ta dường như coi phản ứng cảm xúc bình thường của con người là sự phân tâm không tốt và nên loại bỏ. Và ông ta quyết định rằng, do kẻ thái nhân cách bị cuốn hút đến những hành vi nguy cơ cao mà không sợ hãi gì, chúng được trang bị tốt hơn về mặt tinh thần để xử lý các trường hợp khẩn cấp. Ví dụ, một kẻ thái nhân cách sẽ có nhiều khả năng lao vào một ngôi nhà đang cháy để cứu ai đó hơn người bình thường. Thật vậy sao? Thật khó để tưởng tượng ra lý do khiến một cá nhân vốn không có chút lương tâm hay sự quan tâm nào đến người khác lại muốn liều mình để cứu mạng ai đó. Những khẳng định lặp đi lặp lại của Dutton rằng ai đó có thể hướng sự tập trung lạnh như nước đá của con thú săn mồi đến các nỗ lực nhân đạo tiết lộ một hiểu lầm cực kỳ cơ bản về bản chất của những con thú săn mồi đó.

Lập luận chính của Dutton là đôi khi chúng ta cần một chút cái mà ông ta gọi là “bảy đức tính chết người” - không thương xót, cuốn hút người khác, tập trung, vững vàng về tinh thần, không biết sợ, chánh niệm và hành động. Vâng, tôi cũng đồng ý, nhưng những đặc điểm hành vi ấy không phải là “một liều thái nhân cách nho nhỏ”, như cách nói của Dutton. Trên thực tế, một liều thái nhân cách nho nhỏ sẽ là tàn bạo, nhờn đến mức trơn tuột, sự tập trung lạnh lùng của con thú săn mồi, nhẫn tâm, bất cẩn, hoàn toàn chỉ biết có bản thân, và bốc đồng đến bệnh hoạn.

Có lẽ sự lập lờ đánh lộn con đen nguy hiểm nhất trong tất cả là cách Dutton sử dụng từ đồng cảm một cách lỏng lẻo và vô trách nhiệm. Ông ta làm mờ đi sự khác biệt giữa đồng cảm về nhận thức (biết rằng ai đó đang trải nghiệm một cảm xúc) và đồng cảm về tình cảm (khả năng cùng trải nghiệm cảm xúc đó như người kia). Sau khi tạo ra cái khái niệm lập lờ này, ông ta tuyên bố - trái ngược với cả núi bằng chứng khoa học - rằng những kẻ thái nhân cách có khả năng đồng cảm về mặt tình cảm.

Giống như nhiều người có trái tim nhân hậu trong số chúng ta, Dutton rất muốn chứng minh rằng không phải tất cả mọi kẻ thái nhân cách đều hoàn toàn vô cảm. (Câu đầu tiên của cuốn sách là tuyên bố gây sửng sốt rằng cha đẻ ông ta là một kẻ thái nhân cách.) Ông ta vẽ ra một tập hợp tưởng tượng nhỏ hơn của những kẻ “thái nhân cách bình thường”, những kẻ được coi là ấm áp hơn về mặt tình cảm. Có điều là, đã có một thuật ngữ tâm lý học để chẩn đoán những kẻ gần như thái nhân cách - những người chỉ biết bản thân, không biết đồng cảm với người khác, nhưng, theo cách riêng của họ, vẫn còn biết yêu. Thuật ngữ ấy là “rối loạn nhân cách ái kỷ”. Và khi đọc với con mắt của một nhà tâm lý học, tôi ngờ rằng một số cá nhân được mô tả bởi Dutton, bao gồm cả người cha có tính cách lôi cuốn người khác của ông ta, là những cá nhân ái kỷ, chứ không phải những kẻ sống bên kia đường ranh giới ngăn cách với cái hoang mạc băng giá của chứng thái nhân cách. Nếu Dutton đặt tựa đề cuốn sách là “Sự Khôn ngoan của Kẻ Ái kỷ”, ông ta đã có thể đưa ra một luận chứng có sức thuyết phục hơn: Các nhà tâm lý học phần lớn đều đồng ý rằng con người cần một lượng ái kỷ nhất định để có một tâm lý khỏe mạnh bình thường. Nhưng tính ái kỷ có nhiều mức độ. Cái hố đen tình cảm của sự vô lương tâm thì chỉ có một.

Đúng là đa số những kẻ thái nhân cách không sử dụng bạo lực, và hầu hết trong số chúng “sử dụng khả năng lôi cuốn người khác trong khi bản thân thì tách biệt, không nao núng và không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, để thành công trong xã hội”. (Điều này đã được nhấn mạnh bởi nhiều tác giả trước Dutton.) Thế nhưng - mặc dù sự thật này thực sự gây lo ngại cho những ai hiểu nó - những cá nhân sống bình thường trong xã hội này không phải là một loại thái nhân cách đặc biệt vẫn giữ được sự ấm áp “bình thường” của con người. Chúng vẫn chỉ là thái nhân cách, lạnh lùng và không có lương tâm. Chúng ta phán xét một số trong bọn chúng là tồi tệ hơn những kẻ còn lại bởi chúng thể hiện những hành vi khủng khiếp hơn. Chúng ta coi kẻ thái nhân cách giết người hàng loạt đáng sợ hơn kẻ thái nhân cách ăn cắp tiền lương hưu của nhân viên của hắn. Nhưng cái bệnh lý bên trong là một. Chứng thái nhân cách là một rối loạn nhân cách sâu sắc và bi thảm, một rối loạn mà, ở thời điểm hiện tại, không có cách chữa. Mặc dù kẻ thái nhân cách có thành công đến đâu đi nữa, hắn không phải là một tấm gương của sự khôn ngoan cho chúng ta. Hắn chỉ là một cá nhân trống rỗng, không có tình yêu, mà cuộc sống cuối cùng sẽ bị tàn lụi, không có cách gì khác.

Nếu bạn muốn được giải trí bởi những câu chuyện từ một nhà tâm lý học đã sử dụng bản thân trong một thí nghiệm thần kinh đáng ngờ trong phòng thí nghiệm, đã đi xem Viện Bảo tàng Những Kẻ Giết người Hàng loạt ở Ý, đã đến thăm một số kẻ thái nhân cách thực sự tại Bệnh viện Broadmoor ở Anh; và nếu bạn có hứng thú đọc về những kẻ tội phạm bệnh hoạn nổi tiếng - như kẻ giết người hàng loạt truyền cảm hứng cho câu chuyện về Hannibal Lecter - thì có lẽ bạn sẽ thích cuốn sách của Kevin Dutton. Nếu bạn muốn một lập luận khoa học để trả lời một cách có ý nghĩa câu hỏi bắt mắt nêu ra bởi tiêu đề cuốn sách, bạn sẽ thất vọng. Cuốn sách không hề trả lời câu hỏi đó, hay liên hệ một cách thuyết phục những kẻ thái nhân cách với các thánh nhân khắc kỷ hoặc các nhà sư Phật giáo chiêm niệm. Với tư cách một nhà tâm lý học đã dành hàng thập kỷ nghiên cứu về chứng bệnh ảm đạm của sự vô lương tâm, tôi có thể nói một cách khá chắc chắn rằng không có sự khôn ngoan nào ở những kẻ thái nhân cách. Chỉ có một sự trống rỗng không thể cứu vãn mà không nên và không thể là tấm gương cho bất cứ ai.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.