Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Luật về NGO của Trung Quốc: Chống lại quyền lực mềm và âm mưu lật đổ của phương Tây

Tác giả: Eric Draitser
Nguồn: New Eastern Outlook
Nguồn dịch: Hiệp Sĩ Cưỡi Lừa

Trung Quốc mới đây đã tiến một bước quan trọng trong việc kiểm soát chặt chẽ hơn các tổ chức phi chính phủ ngoại quốc (NGO) trong phạm vi quốc gia. Bất chấp sự lên án của các nhóm được gọi là nhân quyền ở phương tây, động thái của Trung Quốc nên được hiểu là một quyết định trọng yếu để bảo vệ chủ quyền chính trị. Dĩ nhiên, những lời kêu gào đinh tai nhức óc về “áp bức” và “thù địch với xã hội dân sự” của các NGO phương tây không hề làm suy chuyển quyết tâm của Bắc Kinh do chính quyền này đã nhận ra tầm quan trọng của việc ngăn chặn mọi con đường dẫn đến bất ổn chính trị và xã hội.

Lập luận thông thường, một lần nữa được dùng để phản đối Luật Quản Lý Tổ Chức Phi Chính Phủ Ngoại Quốc của Trung Quốc, là nó hạn chế tự do lập hội và thể hiện quan điểm, cũng như là công cụ để bóp nghẹt mảng xã hội dân sự ở Trung Quốc. Những người bảo vệ NGO mô tả đạo luật này như là một ví dụ về vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc và là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh không nỗ lực cải thiện nhân quyền. Họ cho rằng Trung Quốc đang hướng tới củng cố chính quyền độc đoán bằng cách phong tỏa không gian dân chủ mới xuất hiện trong những năm gần đây.

Mặc dù vậy, giữa những tiếng kêu ai oán về nhân quyền và dân chủ, điều không được nhắc đến là sự thật rất đơn giản rằng các NGO nước ngoài, cũng như NGO nội địa được tài trợ bằng tiền của nước ngoài, hầu hết là công cụ phục vụ cho lợi ích nước ngoài và được sử dụng như là vũ khí quyền lực mềm để gây bất ổn. Và đây phải đơn thuần là thuyết âm mưu nữa khi lượng hồ sơ về vai trò của các NGO trong rối loạn chính trị gần đây của Trung Quốc là rất đồ sộ. Không phải là nói quá khi cho rằng cuối cùng Bắc Kinh cũng nhận ra, giống như Nga trước đó, rằng để duy trì sự ổn định chính trị và chủ quyền thực sự thì họ cần phải có khả năng kiểm soát không gian dân sự, thứ mà nếu không sẽ bị Hoa Kỳ và đồng minh của họ thao túng.

“Quyền Lực Mềm” và Làm Mất Ổn Định Trung Quốc

Joseph Nye định nghĩa nổi tiếng “quyền lực mềm” là khả năng một quốc gia thuyết phục một quốc gia khác và/hoặc điều khiển các sự kiện mà không cần đến sức mạnh hay sự cưỡng ép để đạy được kết quả chính trị mong muốn. Một trong những công cụ chủ yếu của quyền lực mềm hiện đại là xã hội dân sự và các tổ chức NGO thống trị nó. Với sự hậu thuẫn tài chính của các cá nhân và tổ chức quyền lực trên thế giới, những NGO này sử dụng vỏ bọc “thúc đẩy dân chủ” và nhân quyền để thực thi chương trình của những người bảo trợ cho họ. Trung Quốc là nạn nhân của chính chiến lược này.

Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền và hầu hết tổ hợp NGO đã lên án Luật Quản Lý Tổ Chức Phi Chính Phủ Ngoại Quốc của Trung Quốc bởi vì họ tin (một cách đúng đắn) rằng đạo luật sẽ ảnh hưởng nhiều đến những nỗ lực hành động độc lập với Bắc Kinh của họ. Tuy nhiên, trái với bộ mặt ngây thơ hoàn hảo mà những tổ chức này dùng làm mặt nạ, sự thật là họ hành động như là tay sai không chính thức của cơ quan tình báo và chính quyền phương tây, và họ đã đóng vai trò chủ chốt trong việc làm cho Trung Quốc bất ổn trong những năm gần đây.

Ví dụ điển hình được nhiều người biết đến nhất là sự can thiệp chính trị năm 2014 với phong trào “Chiếm Đóng Trung Tâm” rùm beng ở Hồng Kông, còn được gọi là Phong Trào Chiếc Ô. Truyền thông phương tây mớm cho các độc giả thiếu hiểu biết hết câu chuyện này đến câu chuyện khác về phong trào “ủng hộ dân chủ” tìm cách nói lên tiếng nói, như người phát ngôn Nhà Trắng John Earnest đã viết một cách nực cười, “… của nguyện vọng người dân Hồng Kông.” Nhưng những lời trống rỗng đó chỉ là một phần của câu chuyện.

Điều mà giới truyền thông doanh nghiệp của phương tây đã không đề cập là mối liên hệ chặt chẽ giữa phong trào Chiếm Đóng Trung Tâm và các cơ quan chủ chốt của quyền lực mềm Hoa Kỳ. Lãnh đạo thường được chào hàng của Chiếm Đóng Trung Tâm là một học giả thân phương tây có tên là Benny Tai, một giáo sư luật của trường đại học Hồng Kông. Mặc dù ông ta tự nhận là lãnh đạo của phong trào dân chúng, ông Tai đã nhiều năm là đối tác của Viện Dân Chủ Quốc Gia (NDI), một NGO chỉ có danh nghĩa chứ thực tế nhận tài trợ trực tiếp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông qua tổ chức Hỗ Trợ Dân Chủ Quốc Gia (NED). Trên thực tế NDI là một trong những tổ chức ủng hộ hàng đầu (và hỗ trợ tài chính) cho Trung Tâm So Sánh và Công Luật của đại học Hồng Kông, một chương trình mà Benny Tai có quan hệ thân thiết, cũng như là thành viên hội đồng quản trị từ năm 2006. Vậy là, không phải là một lãnh đạo mới nổi mà Tai được lựa chọn cẩn thận làm người dẫn dắt phong trào cách mạng màu do Mỹ tài trợ.

Hai cá nhân nổi tiếng khác tham gia Chiếm Đóng Trung Tâm là Audrey Eu, người sáng lập Đảng Dân Sự ở Hồng Kông và Martin Lee, chủ tịch sáng lập của Đảng Dân Chủ Hồng Kông. Cả Eu và Lee đều có mối quan hệ lâu dài với chính quyền Hoa Kỳ thông qua NED và NDI. Eu là người thường xuyên đóng góp cho các chương trình do NDI tài trợ và Lee thực sự nổi bật với việc nhận được phần thưởng của cả NED và NDI, cũng như được gặp phó tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào năm 2014 cùng với luật sư chống Bắc Kinh Ason Chan.

Không cần nhiều trí thông minh suy luận để thấy rằng, ở nhiều mức độ khác nhau, Tai, Eu, Lee và Chan đã hành động như là đại diện công khai của nỗ lực được chính quyền Hoa Kỳ tài trợ nhằm gây bất ổn chính trị ở Hồng Kông, một trong những khu vực quan trọng nhất về kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Thông qua sự trung gian của NGO, Washington có thể thúc đẩy phong trào chống Bắc Kinh với cái vỏ bọc “thúc đẩy dân chủ”, cũng như họ đã làm khắp nơi từ Ukraina cho đến Venezuela. May mắn cho Trung Quốc, phong trào đó không được sự hỗ trợ của khối đông giai cấp lao động ở Hồng Kông và Trung Quốc, hay thậm chí là nhiều người trong giai cấp trung lưu, những người chỉ coi việc đó là một chút phiền nhiễu nhỏ. Mặc dù vậy, điều này đã đòi hỏi chính quyền hành động nhanh chóng để kiểm soát một thảm họa quan hệ công chúng và truyền thông mà phong trào có thể gây ra, một điều mà Bắc Kinh chắc chắn phải biết.

Như người phát ngôn của Quốc Hội đã giải thích vào tháng 4, luật NGO là cần thiết để “bảo vệ an ninh quốc gia và duy trì ổn định xã hội.” Thật vậy, vào cuối năm 2014, đỉnh điểm của cuộc biểu tình Chiếm Đóng Trung Tâm, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Ma Cao và phát biểu về sự cần thiết của việc đảm bảo Ma Cao đi “đúng đường”. Trong một ám chỉ đến Hồng Kông, Tập khen ngợi Ma Cao về việc tiếp tục theo đuổi chính sách “một quốc gia, hai chế độ” trong đó hai vùng hành chính đặc biệt Ma Cao và Hồng Kông có chủ quyền lớn hơn nhưng vẫn tuân theo luật pháp Trung Quốc. Đặc biệt, Tập thể hiện rõ rằng, bất chấp phong trào do NGO nước ngoài tạo ra ở Hồng Kông, Bắc Kinh vẫn nắm kiểm soát. Đây chính là vấn đề chủ chốt: kiểm soát.

NGO, Quyền Lực Mềm và Khủng Bố ở Tân Cương

Mặc dù vậy, vũ khí “quyền lực mềm” của NGO không chỉ được sử dụng ở riêng Hồng Kông. Trên thực tế, tỉnh phía Tây Trung Quốc là Tân Cương, một trong những khu vực bất ổn nhất của đất nước, đã chứng kiến sự kích động nổi loạn và lật đổ thường xuyên bằng các phần tử quyền lực mềm trong những năm gần đây. Là quê hương của người dân tộc Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, nhóm người chiếm đa số ở vùng này, Tân Cương đã thường xuyên bị tấn công bởi chủ nghĩa khủng bố và sự tuyên truyền đê hèn nhằm bôi nhọ Trung Quốc như là kẻ áp bức và kẻ thù của người Duy Ngô Nhĩ cũng như Hồi giáo nói chung.

Tân Cương trở thành nạn nhân của nhiều tấn công khủng bố gây chết người trong những năm gần đây, trong đó có vụ đánh bom tàn bạo giết chết nhiều người và làm bị thương hơn 100 người vào tháng 5 năm 2014, vụ đâm chém hàng loạt và đánh bom vào tháng 11 năm 2014, vụ tấn công của khủng bố người Duy Ngô Nhĩ vào trạm kiểm soát giao thông tháng trước khiến 18 người chết. Những vụ tấn công tước đi mạng sống của nhiều công dân Trung Quốc vô tội, nếu những vụ tấn công đó nhằm vào người Mỹ thì truyền thông phương tây sẽ lên án đó là thánh chiến chống lại toàn thế giới. Mặc dù vậy, do chúng chỉ diễn ra ở Trung Quốc, nên chúng là những sự kiện cô lập xuất phát từ “sự ruồng bỏ” và “áp bức” người Duy Ngô Nhĩ của những nhà cầm quyền Trung Quốc xấu xa.

Những tường thuật đầy thiên kiến kiểu này không phải là ít do sự xâm nhập của NGO vào cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ và mạng lưới quan hệ khổng lồ được chính quyền Hoa Kỳ trực tiếp tài trợ. Cũng chính NED, đã cung cấp tài chính cho NDI và các tổ chức khác có tham gia vào việc gây bất ổn của “Chiếm Đóng Trung Tâm” ở Hồng Kông, là nhà tài trợ chính cho tổ hợp NGO của người Duy Ngô Nhĩ.

Các tổ chức sau đã nhận được sự hỗ trợ tài chính đáng kể từ NED trong nhiều năm: Đại Hội Duy Ngô Nhĩ Thế Giới, Hiệp Hội Duy Ngô Nhĩ Hoa Kỳ, Quỹ Nhân Quyền và Dân Chủ Duy Ngô Nhĩ Quốc Tế, Câu Lạc Bộ PEN Duy Ngô Nhĩ Quốc Tế, cùng nhiều tổ chức khác. Những NGO này đã nhanh chóng trích dẫn truyền thông phương tây để bình luận mọi việc liên quan đến Tân Cương và hầu hết lên án Bắc Kinh về tất cả mọi vấn đề trong khu vực, bao gồm cả khủng bố.

Dĩ nhiên ví dụ tốt nhất của tuyên truyền và dối trá đã diễn ra vài tuần trước đây khi truyền thông phương tây tràn ngập những câu chuyện ngụy tạo về việc Trung Quốc cấm thực hiện lễ nhịn ăn Ramadan ở Tân Cương. Hàng trăm bài báo lên án Trung Quốc về “sự ngăn cản tự do tôn giáo,” mô tả chính quyền Trung Quốc như là kẻ đàn áp và vi phạm nhân quyền. Đáng chú ý là nguồn của cáo buộc đó lại chính là Đại Hội Duy Ngô Nhĩ Thế Giới do NED tài trợ.

Hơn nữa, vào giữa tháng 6, vào ngày Eid al-Fitr (ngày cuối cùng của kỳ Ramadan), tờ Wall Street Journal đăng một câu chuyện về phản hồi truyền thông từ Trung Quốc, trong nhiều tuần họ đã tìm cách công bố sự thật là ở Tân Cương và khắp nơi ở Trung Quốc, lễ Ramadan được công khai chào đón. Người ta có thể đoán rằng nguồn chống Trung Quốc được trích dẫn như thường lệ lại là một đại diện của tổ chức Đại Hội Duy Ngô Nhĩ Thế Giới. Có vẻ như tổ chức này, thay vì bảo vệ nhân quyền, đã trở thành cái loa cho tuyền truyền chống Trung Quốc của Hoa Kỳ. Khi tuyên truyền bị Trung Quốc bóc mẽ và phơi bày thì các tuyên truyền mới và bậy bạ hơn sẽ tiếp tục.

Dấu Vết Địa Chính Trị

Tất cả sự bôi nhọ cho thất sự đáng chú ý về mặt địa chính trị và chiến lược khi Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào việc lên án Trung Quốc về “sự ngược đãi” người Duy Ngô Nhĩ Hồi Giáo, những người mà Ankara cho là người Thổ theo quan điểm phục hận tân Ottoman của họ. Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng “Người dân chúng ta đau buồn với tin tức mới cho biết người Thổ Duy Ngô Nhĩ đã bị cấm nhịn ăn hoặc thực hiện các nghĩa vụ tôn giáo ở khu vực Tân Cương … Mối quan ngại sâu sắc của chúng ta đối với những bản tin này phải được chuyển tới đại sứ Trung Quốc ở Ankara.”

Trung Quốc đã trả lời bình luận không thích hợp của ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là sự nhận vơ ngớ ngẩn về người Duy Ngô Nhĩ của Thổ Nhĩ Kỳ. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố, “Trung Quốc đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ làm rõ những bản tin này và chúng tôi bày tỏ sự quan ngại về tuyên bố của bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ … Quý vị biết rằng tất cả những người ở Tân Cương được tự do tín ngưỡng theo hiến pháp Trung Quốc”

Trong khi chính quyền Trung Quốc, như đã luôn làm, sử dụng sự im lặng để thể hiện sự không hài lòng, tác động của tuyên bố này không mất đi đối với những người quan sát chính trị sâu sắc có hiểu biết về quan hệ Trung Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù hai nước này có nhiều lợi ích chung, như Thổ Nhĩ Kỳ đã thường xuyên thể hiện sự mong muốn tham gia Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (SCO), một sự thật ít được biết đến, Thổ Nhĩ Kỳ là nguồn hỗ trợ chủ chốt cho khủng bố ở Trung Quốc.

Điều này không được truyền thông quốc tế phô trương ầm ĩ, vào tháng giêng năm 2015, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt giữ ít nhất 10 nghi phạm Thổ Nhĩ Kỳ, những người này bị cáo buộc tổ chức và hỗ trợ vượt biên bất hợp pháp cho một số phần tử cực đoan Duy Ngô Nghĩ. Sau đó, những phần tử này sẽ đến Syria, Afghanistan và Pakistan để được huấn luyện và chiến đấu cùng với các đồng ngũ thánh chiến.

Câu chuyện tiếp tục cho thấy bằng chứng của mạng lưới khủng bố quốc tế được tài trợ và tổ chức tốt được điều hành và/hay hỗ trợ của tình báo Thổ Nhĩ Kỳ. Theo bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, mười công dân Thổ bị bắt ở Thượng Hải vào ngày 17 tháng 11 năm 2014 về việc hỗ trợ nhập cư trái phép. Khi các cáo buộc chính thức đối với họ là từ giả mạo tài liệu cho tới hỗ trợ cư trú trái phép, câu hỏi lớn được đặt ra về việc khủng bố quốc tế ẩn nấp phía sau. Dĩ nhiên, như những bằng chứng cho thấy những người nhập cư Duy Ngô Nhĩ này không chỉ đi để thăm người thân ở nước khác. Trái lại, họ là một phần của khuynh hướng đã được ghi nhận của các phần tử cực đoan Duy Ngô Nhĩ, họ đến Trung Đông để được huấn luyện và chiến đầu cùng với Nhà Nước Hồi Giáo hay các nhóm khủng bố khác.

Cũng chính mạng lưới những kẻ cực đoan này đã thực hiện vụ đánh bom được đề cập ở phía trên ở Urumqui, thủ phủ của Tân Cương. Khuynh hướng này đã được phát hiện hai tháng trước vào tháng 12 năm 2014 khi Reuters đưa tin rằng Bắc Kinh chính thức cáo buộc du kích quân Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương đã tới lãnh thổ do Nhà Nước Hồi Giáo kiểm soát để được huấn luyện. Sự chứng thực tiếp theo về những cáo buộc này, tờ Jakarta Post của Indonesia đưa tin về việc bốn phần tử thánh chiến Duy Ngô Nhĩ Trung Quốc đã bị bắt ở Indonesia khi đi từ Tân Cương tới Malaysia. Một bản tin tương tự khác cũng xuất hiện trong những tháng mới đây, cho thấy hình ảnh về một chiến dịch có tổ chức để giúp các phần tử cực đoan Duy Ngô Nhĩ đi khắp Châu Á, liên lạc và hợp tác với các nhóm khủng bố quốc tế như Nhà Nước Hồi Giáo.

Khủng bố Duy Ngô Nhĩ với giấy tờ giả mạo do các nguồn nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp liên quan đến mạng lưới khủng bố đã thực hiện hàng loạt các vụ tấn công vào công dân và cảnh sát Trung Quốc. Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc không cúi mình trước nước mắt cá sấu của Erdogan và chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù vậy, bất chấp chiến tranh khủng bố, các NGO Duy Ngô Nhĩ do Hoa Kỳ tài trợ vẫn tiếp tục trình bày rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về khủng bố.

Việc gây rối loạn Trung Quốc diễn ra dưới nhiều hình thức. Từ phong trào biểu tình ở Hồng Kông do các NGO có quan hệ với chính quyền Hoa Kỳ tài trợ, cho đến cuộc chiến tuyên truyền xuyên tạc của các NGO khác được chính quyền Hoa Kỳ tài trợ, hay cuộc chiến tranh khủng bố do thành viên NATO tạo ra, Trung Quốc là quốc gia đang bị tấn công cả bằng quyền lực cứng và mềm. Việc Bắc Kinh cuối cùng cũng phải kiềm chế ảnh hưởng độc hại của các NGO, cũng như các thế lực mà họ đại diện, không chỉ là bước tiến tích cực, đó là sự cần thiết tuyệt đối. An ninh và chủ quyền quốc gia của Trung Quốc đòi hỏi điều đó.

Xem thêm:



8 nhận xét:

  1. Em ko tìm được mục thảo luận chung nên đành post lại vào đây vậy:
    Nếu lí giải theo cách tiếp cận rằng những kẻ đứng đầu thế giới đều không có lương tâm thì việc các đạo luật anti-semitism ở châu Âu và Mỹ, sự xuất hiện của nước Isarel trên bản đồ thế giới, các nỗ lực của Mỹ để bảo vệ Israel trong vòng vây các nước Hồi giáo và gốc gác Do Thái của nhiều thành phần tài phiệt tất cả chỉ đơn thuần là lớp vỏ ngụy trang và là một số phương pháp để thu hút sự ủng hộ của người Do Thái thôi sao? Bởi theo em thấy có vẻ những kẻ thái nhân cách này cũng có một phần quan tâm đến dân tộc Do Thái? @_@
    Nếu chủ nghĩa phục quốc Do Thái chỉ là công cụ thì tại sao lại phải bỏ nhiều công sức ra đến vậy khi mà bản thân đã ở đỉnh cao quyền lực?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quả thực đạo Do Thái nói chung và đất nước Israel nói riêng có vị trí khá đặc biệt đối với những kẻ thái nhân cách và mình không biết tại sao. Mình chỉ biết rằng lịch sử đất nước Israel thấm đẫm máu và nước mắt của người Palestine, và chính quyền Israel là chính quyền có tính thái nhân cách cao nhất trong tất cả các nước trên thế giới. Có lẽ do tỷ lệ những kẻ thái nhân cách tập trung rất cao ở đó nên các nhà lãnh đạo các nước phương Tây quan tâm đặc biệt đến nó chăng?

      Mình nói "quan tâm đặc biệt" ở đây không phải là theo kiểu tình đồng bào, đồng chí, thứ không thể có ở kẻ thái nhân cách, mà đơn giản là chính phủ Israel bằng cách nào đó nắm gáy các nhà lãnh đạo trên thế giới.

      Xóa
  2. Anh từng đọc những quyển sách nào hay không? Có thể kể tên không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình thường lựa sách để đọc từ danh sách ở diễn đàn Cassiopaea tại đây: http://cassiopaea.org/forum/index.php/topic,33092.0.html Đấy là một danh sách rất dài và mình cũng mới chỉ đọc khoảng một nửa số đó. Không biết bạn quan tâm đến chủ đề nào để mình có thể giới thiệu kỹ hơn?

      Xóa
    2. Các đề tài về kinh tế chính trị lịch sử hoặc là tâm lí học chẳng hạn, theo cảm nhận cá nhân em thì các chủ để trên liên quan nhiều đến nhau.

      Xóa
    3. * Chính trị, lịch sử: The Controversy of Zion by Douglas Reed (Zionism)
      * Kinh tế: The Creature from Jekyll Island by Edward Griffin (Federal Reserve)
      * Tâm lý:
      + You are not So Smart by David McRaney (về bản thân)
      + The Authoritarians by Bob Altemeyer (về những người dễ bị xỏ mũi, thao túng)
      +The Mask of Sanity by Hervey Cleckley (về những kẻ thái nhân cách)

      Tất cả những quyển trên đều có trên internet.

      Xóa
    4. Cảm ơn anh, anh có định dịch tiếp các quyển sách trong chủ đề thái nhân cách không?

      Xóa
    5. Mình nghĩ rằng lý thuyết về chủ đề thái nhân cách trên blog này đã khá đủ. Nhưng lý thuyết không thì chưa đủ, vì hầu hết mọi người không liên hệ được lý thuyết đó với những gì đang xảy ra trong thực tế trên thế giới và những hậu quả của nó. Vì vậy, mình sẽ tập trung hơn vào khía cạnh đó.

      Xóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.